WGPSG — “Đối với những ai yêu và biết đáp lại Tình yêu, nhất là biết đáp lại trong hy sinh, trong sự hiến tế chính mạng sống mình thì người đó sẽ cảm nhận được nguồn bình an đích thực”.
Đó là lời chia sẻ của ĐGM Louis Nguyễn Anh Tuấn khi ngài chủ sự thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi vào lúc 17g30 chiều thứ Ba 15/9/2020 tại nhà thờ Tân Định, cũng là lễ giỗ 137 năm cha sở thứ 5 của giáo xứ Tân Định – Lm Éveillard Sơn và cầu bình an cho việc trùng tu nhà thờ.
Đồng tế với ĐGM Louis có Lm chánh xứ Tân Định – Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, Lm Giám đốc Đại Chủng Viện Giuse – Bùi Công Trác, Lm trưởng ban Đối Thoại Liên Tôn – Phanxicô Bảo Lộc (người con của giáo xứ Tân Định cùng với ĐGM Louis) và 5 Lm phó xứ qua các thời kỳ.
Sau bài hát nhập lễ của liên ca đoàn Giuse & Hiển Linh, Lm chánh xứ Phaolô đã có lời cám ơn ĐGM Louis, Lm Giám đốc Đại Chủng Viện Giuse, Lm Phanxicô Bảo Lộc, các Lm đồng tế, các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa đã đến tham dự thánh lễ chiều nay để cầu nguyện theo 3 ý lễ trên.
Tiếp sau lời chúc bình an, ĐGM Louis có đôi lời bộc bạch: “Trong tâm tình biết ơn, hôm nay chúng ta về đây để dâng thánh lễ cầu nguyện nhân ngày giỗ 137 năm của cha sở thứ 5 của giáo xứ Tân Định – Lm Donatianus Eveillard Sơn – người có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ Tân Định này. Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho công cuộc tu sửa cấp thiết nhà thờ Tân Định được bình an, tốt đẹp, có nhiều người cùng chung tay góp sức, tiếp tục công việc của cha ông để lại, cho việc trùng tu được kết thúc sớm theo lòng Chúa mong ước. Mỗi lần trở về ngôi Nhà Thờ này, dù làm Giám mục rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi như lúc tuổi thơ, được mẹ dắt đến đây dự lễ, được sống và lớn lên, được nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu và ơn gọi đời dâng hiến”.
Trong tâm tình đó, ĐGM Louis mời gọi mọi người lắng đọng, sám hối để bước vào thánh lễ.
Trong bài giảng, ĐGM Louis đã chia sẻ: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được Giáo hội cử hành trong tâm tình hiệp thông với cuộc khổ nạn của Con Mẹ – Đức Giêsu. Chính vì vậy, Giáo hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu.
Hôm nay chúng ta được dịp chiêm ngắm lại 7 sự thương khó của Đức Mẹ như 7 dao sắc đâm thâu qua trái tim Đức Mẹ:
- Khi ông Simêon ẵm Đức Chúa Giêsu và nói cùng Đức Mẹ rằng: “Trẻ nhỏ này sẽ là cớ cho nhiều người vấp ngã cũng như đứng dậy và là mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
- Khi vua Hêrôđê đi tìm Đức Chúa Giêsu để giết, thì Đức Mẹ phải bồng Con sang Ai Cập chạy trốn, mà Mẹ thương Con còn non nớt mới sinh, nên lo buồn đau đớn.
- Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ thành Giêrusalem, lúc về bị lạc mất Con, Đức Mẹ đau xót đi tìm con.
- Khi Đức Mẹ theo Con trên đường khổ nạn, thấy Con vác Thánh giá lên núi Canvê, nhiều lần ngã xuống đất, quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng, thì hai con mắt Đức Mẹ nên như hai suối nước chảy xuống.
- Khi Đức Mẹ thấy Con treo trên cây Thánh giá, thốt ra bảy lời cuối cùng như lời trối trăn cho Mẹ, đoạn gục đầu xuống từ giã Mẹ mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn thảm thiết.
- Khi các môn đệ tháo đinh, đem xác Đức Chúa Giêsu xuống giao phó vào tay Đức Mẹ. Mẹ ôm lấy xác Con vào lòng, đau đớn tột cùng là thể nào.
- Khi môn đệ lấy hòn đá lớn mà che ngoài cửa hang thì lòng Đức Mẹ đau đớn như đã chết mà chôn một mồ cùng con vậy.
Sự đau khổ của Đức Mẹ không ai có thể hiểu thấu. Nhưng sâu thẳm trong nỗi đau khổ ấy, chính là sự bình an. Bởi vì đối với những ai yêu và biết đáp lại Tình yêu; nhất là đáp lại trong hy sinh, trong sự hiến tế chính mạng sống mình thì người đó sẽ cảm nhận được nguồn bình an đích thực. Đó là niềm vui tuyệt đối của các vị thánh mà chúng ta vẫn thường nghe kinh nghiệm thiêng liêng ngay trong lúc đau khổ. Từ đó, chúng ta mới hiểu được tại sao các ngài có thể ca hát khi đi ra pháp trường để chịu phúc tử vì đạo.
Đau khổ của người đã yêu, đã được yêu khác với sự đau khổ của những người phải cam chịu, bức bối vì không biết yêu. Đau khổ của những môn đệ đi theo Chúa khác với đau khổ của những người không tin vào Chúa ở chỗ yêu hay không yêu. Đau khổ đã được yêu có sức giải phóng, có sức cứu độ. Vì vậy, đau khổ của chúng ta cũng góp phần vào sự đau khổ của Đức Kitô và của Mẹ Maria”.
Sau đó, ĐGM Louis trở lại ý cầu nguyện thứ 2: “Ngôi nhà thờ này khi bắt đầu xây dựng cách đây 144 năm cũng phủ bóng thập giá. Khi cha Eveillard Sơn khởi công xây dựng cũng là lúc xảy ra chiến tranh thời Pháp thuộc. Mọi người đều kỳ thị người Công giáo và không ai muốn giúp đỡ, vì họ cho rằng theo cố Tây là phản quốc. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được sự đau khổ của các đấng khi đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu để xây dựng ngôi nhà thờ này.
Hôm nay, chúng ta cũng tha thiết cầu nguyện để công trình trùng tu ngôi thánh đường này được mọi sự bình an. Chúng ta dâng lên Chúa và phó thác mọi sự cho Ngài: những đau khổ, những hy sinh và những lời cầu nguyện khẩn thiết. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các cấp chính quyền để họ quan tâm, giúp đỡ chúng ta trong việc trùng tu ngôi nhà thờ này cũng như những công trình phụ của Giáo xứ trong thời gian tới”.
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Cuối lễ, đại diện Hội đồng Mục vụ đã có lời cám ơn ĐGM Louis, Lm Giám Đốc Chủng Viện Sài Gòn, Lm Trưởng ban Đối thoại Liên tôn, các Lm đồng tế, các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa.
Đáp từ, ĐGM Louis đã mời gọi: “Có những công trình chúng ta nhìn thấy được như ngôi thà thờ Tân Định này, nhưng cũng có những công trình vô hình, đó là Giáo hội. Giáo hội lúc này, cũng giống như Mẹ Maria đang đau khổ vì Con. Vì thế, chúng ta hãy sẵn sàng mang lấy những khó khăn, thách đố và luôn cầu nguyện cho Giáo hội. Riêng với công trình trùng tu thánh đường này, chúng ta hãy phó thác cho Chúa, Chúa đã khởi sự thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta hoàn tất. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cũng xin anh chị em tha thiết cầu nguyện cho công trình này sớm hoàn thành tốt đẹp”.
Sau đó, ĐGM Louis cùng các linh mục đã đến dâng hương trước phần mộ của Lm Donatianus Éveillard Sơn đặt trước bàn thờ Đức Mẹ.
Trước mộ phần, Lm chánh xứ Tân Định đã dâng lời nguyện: “Hôm nay, nhân ngày giỗ 137 năm của cha, chúng con quây quần quanh đây để kính nhớ công ơn của cha trong việc xây dựng ngôi thánh đường Tân Định này. Chúng con xin thắp những nén hương này để dâng lên cha cùng với các vị tiền nhân đã dày công phục vụ Họ Đạo. Xin cha thương và cầu nguyện cùng Chúa chúc lành cho tất cả chúng con, cho công trình trùng tu của chúng con. Chúng con xin hát vang lời Kinh Hòa bình để tri ân vì lòng mến yêu và phụng sự Chúa, cha đã đến đây, chọn Tân Định như quê hương thứ 2 và trao gởi thân xác nơi lòng đất mẹ này, vì cha biết chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Xin Thần Linh thánh ái ban cho chúng con và những ai lòng đầy thiện chí: Ơn An Bình”.
Bài: Hữu Lễ & Ảnh: Trần Văn
Nguồn: TGP Sài Gòn