Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 29 Thường Niên, năm B. Chúa Nhật truyền giáo

Chúng con thân mến,

Hôm nay là ngày Chúa nhật Truyền giáo.

Truyền giáo là gì chúng con?

I. Chúng con vẫn nghe thấy người ta nói truyền thanh, truyền hình. Tuyền thanh là truyền âm thanh. Cha nhớ lại ngày xửa ngày xưa khi cha còn nhỏ, nhỏ như chúng con cha và mấy đứa bạn của cha lấy hai cái ống lon sữa bò… lấy một miếng bong bóng heo bịt lại rồi xỏ giây vào hai đầu… rồi giăng ra… rồi nói với nhau.

Giờ thì chúng con thấy khác xưa rất nhiều… người ta không truyền bằng giây đay mà là bằng giây kim loại. Ở nhà chúng con ai có điện thoại giơ tay cha coi. Rất hay… Điện thoại là truyền cái gì hả chúng con? Truyền âm thanh. Rất trúng. Bây giờ còn hơn truyền thanh… truyền gì nữa chúng con? Truyền hình… Rất trúng.

Lúc đầu cha nhớ… chỉ có hình trắng đen… nhưng bây giờ thì hình mầu… đẹp “hết biết” luôn. Và trong tương lai không xa người ta còn muốn truyền cả mùi nữa… Thật là kỳ diệu.

Cha hỏi chúng con muốn truyền như thế thì trước hết người ta phải làm gì nào chúng con?

Phải thu… phải thu thanh, phải thu hình.

Thỉnh thoảng nghe đài chúng con thấy người ta bảo truyền thanh, truyền hình trực tiếp. Trực tiếp nghĩa là làm sao?  Nghĩa là thu một cái rồi phát ngay. Người nghe hay người xem có thể thấy ngay những gì đang diễn ra ở một nơi nào đó trên thế giới này. Ai cho cha một thí dụ xem nào.

Thí dụ cụ thể nhất là bóng đá hay thế vận hội… Ở một nơi nào đó trên thế giới, các cầu thủ đang tranh tài ở trên sân cỏ, dù ở xa thật xa vậy mà đài truyền hình mang tất cả các hình ảnh thật sống động đó tới mình ngay làm cho mình có cảm tưởng là mình cũng đang có mặt để tham dự trận cầu đó vậy. Hay qua phải không chúng con?

II. Bây giờ cho nói về truyền giáo. Nếu có ai hỏi cha truyền giáo là gì thì cha có thể trả lời thật dễ hiểu như sau: Là đem Chúa đến cho người khác. Đem Chúa đến cho những người chưa biết Chúa.

Chúa Giêsu ngày xưa đã làm điều này trước tiên.

Thiên Chúa Cha là Đấng mà chẳng ai có thể biết được. Vậy mà Chúa Giêsu đã làm cho người ta biết được Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu làm hay lắm. Chúa vừa nói vừa làm. Chúa nói để người ta biết có một Thiên Chúa yêu thương con người. Rồi Chúa sống những lời Chúa dạy để qua cuộc sống của Chúa, người ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa Cha, một Thiên Chúa là tình yêu, luôn yêu thương hết mọi người.

Đây là một số thí dụ nhờ Chúa Giêsu mà người ta nhận ra được Thiên Chúa. Người ta thấy Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.(Ga 6,46)

Chúng con nhớ lại câu chuyện của Philipphê trong Tin Mừng Gioan Chương 14,8-11: Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm”.

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

Đó chúng con thấy, Chúa Giêsu làm cho người ta thấy Thiên Chúa Cha.

Hôm đó Chúa cùng đi với các môn đệ của Chúa trên một con thuyền. Bỗng nhiên sóng gió bão táp nổi lên. Chúa dẹp yên sóng gió bão táp ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Chúa và nói: Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”( Mt 14,33)

Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” (Ga 1,49)

Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” (Mt 27,54)

Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”( Mc 3,11) và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!”( Mc 5,7)

Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Chúa tắt thở trên Thánh Giá lạ lùng quá liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15,39)

Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.( Lc 4,41)

Thấy Đức Giêsu, anh la lên, sấp mình dưới chân Người, và lớn tiếng nói rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi !” (Lc 8,28)

Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”( Lc 22,70)

Nghe vậy, Đức Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”(Ga 11,27)

Bây giờ đến lượt chúng ta. Muốn đem Chúa đến cho người khác chúng ta phải làm gì? Trước hết phải biết Chúa trước. Cũng giống như người ta muốn truyền thanh, truyền hình thì phải thu trước. Thu bằng cách nào chúng con? Thưa bằng cách học về Chúa.

Không có thì không cho được. Muốn cho thì phải có.

Vậy phải biết Chúa trước đã.

Rồi thì phải làm gì tiếp theo?

Có thể có nhiều cách nhưng cách tốt nhất và có thể mang lại nhiều kết quả nhất đó lá cách làm chứng. Làm chứng bằng chính đời sống tốt đẹp thánh thiện của mình. Cha kể cho chúng con câu chuyện này:

Linh mục NATARINÔ ROCHKY, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây: “Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.

Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:

Thưa cha, cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.

Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:

          – Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thời mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua nhà thờ của cha. Con dừng lại một lát nhìn cha qua cửa sổ, xem cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy cha trong nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật cha đã tin và đã sống những điều cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Tin Mừng, nhưng con muốn xem cha có sống Tin Mừng thực sự hay không”.

          Đúng là cha Rochky đã làm cho ông giáo sư này thấy được Đạo qua cách sống của cha. Không những cha đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường ngày của cha nữa chúng con. Cha chúc chúng con cũng làm được như thế.