Bài giảng thiếu nhi: Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm B
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Cha đố chúng con hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào Mùa nào trong năm Phụng Vụ đó ?
– Thưa cha, Mùa vọng
– Chúng con giỏi – Cha khen chúng con. Bắt đầu vào Mùa vọng Giáo Hội khuyên chúng ta điều gì nào ?
– Thưa cha, Giáo Hội khuyên tỉnh thức.
– Rất đúng…Giáo Hội mượn lời thánh Marco khuyên mọi người hãy tỉnh thức.
“Anh em hãy tỉnh thức”
– Thế tỉnh thức là thế nào nào ?
……
Đây cha cắt nghĩa cho chúng con. Trước hết chúng con nghe một câu chuyện nhỏ:
Một vị Bà La Môn hỏi Đức Phật:
– Ngài có phải là Thượng Đế không ?
Đức Phật trả lời.
– Không, thưa ông.
– Vậy Ngài là một vị thánh ?
– Cũng không phải, thưa ông. Đức Phật trả lời.
– Vậy Ngài là một ảo thuật gia ?
– Cũng không phải, thưa ông. Đức Phật trả lời.
– Vậy Ngài là ai ?
– Ta là sự Tỉnh thức.
Tỉnh thức là gì ? Chữ “tỉnh” là tỉnh táo, chữ “thức” là nhận biết phân biệt. Như vậy khi gặp bất cứ việc gì trong cuộc sống, người tỉnh thức là người biết tỉnh táo nhận định cho chính xác, hiểu thật rõ ràng rồi mới đi đến quyết định hành động.
Cha muốn minh hoạ bằng một câu chuyện:
Hai thầy trò dẫn nhau vào rừng để tu luyện.
Dọc đường, thầy căn dặn trò hãy tỉnh thức đề phòng cạm bẫy và các thuốc độc giết người của trần gian đầy đau khổ và sự dữ. Bỗng hai thầy trò thầy một gói to nằm trên đường. Trò vội vàng chạy lại mở ra, rồi la lớn:
– Thầy ơi, có lẽ trời Phật đã thưởng công tu luyện cho thầy trò ta rồi. Đây là gói vàng, với số vàng này chúng ta tha hồ sống hạnh phúc.
Nghe thế, vị đạo sĩ nghiêm sắc mặt nói:
– Này con, đây không phải là nguồn hạnh phúc mà là thuốc độc đấy. Nếu không tin, con cứ để gói vàng tại đây, chúng ta leo lên một cây kia rồi sẽ thầy.
Hai thầy trò leo lên một cây gần đấy và quan sát.
Nửa giờ sau, có ba người nét mặt hung dữ đi ngang qua đó. Họ thầy cái gói mở ra và cả ba đều vui mừng kêu lên:
– Trời thương chúng ta rồi. Từ nay chúng ta không còn phải đi ăn trộm, ăn cắp nữa.
Người đầu nhóm ra lệnh cho em út:
– Chú mày đi vào làng mua rượu và đồ nhắm ra đây. Hôm nay, anh em mình phải nhậu một bữa cho đã rồi chia nhau số vàng này.
Thế là người em út đi vào làng, còn lại hai người ngồi canh giữ. Trong lúc này cả hai đều có ý định thanh toán nhau để một mình hưởng trọn gói vàng. Thế là một trong hai người đã chết, còn người kia thoi thóp nằm ôm gói vàng.
Người em út trở về với rượu và đồ nhậu, thầy cảnh trên và nghĩ đây là cơ hội để mình chiếm trọn gói vàng. Hắn vất rượu và đồ nhắm, khiêng tảng đá to giáng xuống đầu người bạn đang nằm đó và ôm gói vàng tẩu thoát.
Nhưng phần vì vừa phạm tội ác khiến lương tâm cắn rứt, phần vì mải mê nghĩ đến gói vàng nên hắn đã tông vào một chiếc xe hơi và nằm chết bên gói vàng.
Sau khi quan sát những gì đã xảy ra, thầy bảo trò:
– Đấy con thầy chưa ? Điều thầy nói lúc nãy là sự thật.
Và thầy trò tụt xuống, tiếp tục đi vào rừng.
2. Tỉnh thức để làm gì chúng con ?
Thưa để gặp được Chúa khi Ngài đến.
Thế cha hỏi chúng con: Chúa đã đến chưa ?
Thực ra thì Chúa đã đến rồi, đến cách nay hơn hai ngàn năm, nhưng theo thánh Sirilô thành Giêrusalem cắt nghĩa thì chúng ta phải hiểu thế này: “Những gì liên hệ tới Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta thường diễn ra hai lần. Hai lần Người sinh ra: một lần bởi Thiên Chúa từ trước muôn đời; một lần bởi đức Trinh nữ vào lúc thời gian viên mãn.
Hai lần Người xuống thế: lần thứ nhất thì lặng lẽ như hạt mưa rơi xuống lông chiên; Còn lần thứ hai, chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai thì oai hùng rực rỡ.
Lần giáng lâm thứ nhất, Người được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ; lần thứ hai người khoác cẩm bào là muôn ánh hào quang.
Lần thứ nhất. Người vác Thập Giá chẳng nề nhuốc hổ; còn lần thứ hai, Người chiến thắng khải hoàn có thiên thần hộ tống.
Vậy chúng ta đừng dừng lại ở lần giáng lâm thứ nhất mà phải đợi chờ lần giáng lâm thứ hai trong vinh quang. Lần thứ nhất chúng ta đã tung hô Người: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh Chúa thì chúng ta sẽ lập lại y như thế trong lần thứ hai. Lúc đó chúng ta sẽ cùng với các thiên thần ra nghênh đón Chúa mà thờ lạy và tung hô: Chúc tụng đấng ngự đến nhân danh đức Chúa”.
Hơn nữa giữ hai lần đến quan trọng đó Chúa còn đến với mỗi người trong ngày Chúa gọi chúng ta ra khỏi cuộc sống sống này. Đây cũng là lần Chúa đến thật quan trọng.
Bên cạnh đó chúng con thầy Chúa còn hứa đến với những ai biết họp nhau cầu nguyện: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”(Mt 18,20) cũng như khi lãnh nhận bí tích đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể.
Như vậy chỉ có những người biết tỉnh thức và sằn sàng thì mới dễ gặp được Chúa.
Có một cậu bé muốn đi gặp Chúa Giêsu, để chuẩn bị cho cuộc hành trình, cậu bỏ vào giỏ mấy chiếc bánh và hai chai sữa tươi. Và cậu bé lên đường, lòng vui tươi hớn hở. Mới đi được mấy dãy phố, cậu chợt thấy một bà cụ già đang ngồi trên một chiếc ghế đá công viên. Cậu thầy mỏi chân nên quyết định ngồi nghỉ một chút bên cạnh bà lão. Cậu lấy một chai sữa tươi ra, định uống cho đỡ khát.
Nhưng nhìn sang, thấy bà cụ run lập cập, có lẽ vì đói quá chăng. Cậu liền lấy bánh lẫn sữa ra mời bà. Bà cụ nhận tất cả với một nụ cười cảm động và biết ơn ôi nụ cười mới đẹp làm sao ? Thế là hai bà cháu mải mê ngồi ăn uống và nói chuyện vui vẻ với nhau mãi.
Buổi chiều, khi cậu bé trở về nhà, bà mẹ thầy con rất vui liền hỏi:
– Hôm nay con có chuyện gì mà vui thế ?
Cậu hớn hở khoe:
– Mẹ có ngờ được không ? Hôm nay con đã cùng ngồi ăn trưa với Chúa Giêsu. Người có nụ cười thật dễ thương mẹ ạ!
Trong khi đó, bà lão cũng chậm rãi trở về nhà, lòng chan chứa một niềm bình an. Cậu con trai lớn của bà hỏi thăm ngay từ cửa:
– Mẹ ơi, sao hôm nay mẹ có vẻ vui thế nhỉ ?
Bà cụ móm mém trả lời:
– Này, con có ngờ được không ? Hôm nay mẹ đã cùng được ngồi ăn trưa với đức Giêsu. Người trẻ hơn mẹ tương nhiều con ạ!