Site icon Giáo xứ Tân Định

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm C

A. Chẳng cần phải nói nhiều: Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng con em cũng thấy xem ra Chúa có vẻ bằng lòng với thái độ của Maria hơn của Matta.

1. Thái độ của Matta trong bài Tin Mừng hôm nay rất giống với thái độ của người Samaria trong bài Tin Mừng Chúa nhật trước. Cung cách có khác nhau nhưng nội dung cũng chỉ là một. Đó là phục vụ.

Dưới con mắt của Matta thì Chúa chỉ là một con người. Có thể là một người đặc biệt, một vị khách rất quí chính vì thế mà chị đã đem hết khả năng ra để phục vụ, không những cho Chúa mà còn cho cả những người có liên hệ với Chúa nữa. Công việc phục vụ như thế quả thực là vất vả. Giá Chúa tưởng thưởng cho chị một vài lời khen thì chắc là chị vui lắm. Thế nhưng Chúa lại không làm như thế. Tại sao vậy?

2. Chúng ta nhìn vào thái độ của Maria chúng ta sẽ thấy câu trả lời?

Giữa lúc Matta vất vả cực nhọc phải làm đủ mọi thứ để đón đoàn khách quí thì Maria lại tỏ ra là rất lãnh đạm thờ ơ với những việc có tính cách bên ngoài đó.

Giữa lúc Matta bôn chôn lo lắng làm mãi mà không hết việc thì Maria lại bình thản ngồi ở bên chân Chúa mà nghe lời của Người.

Nếu phải đánh giá và phê phán về thái độ của hai người thì có lẽ chúng ta sẽ nghiêng về việc bênh vực Matta hơn.

B. Thế nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. Rõ ràng là Ngài có thái độ của một bậc làm thầy. Chúa quan sát và Chúa đánh giá. Chúa không kết án nhưng Chúa cho biết đâu là thái độ làm Chúa vui.

a- Thái độ của Matta chứng tỏ bà mới chỉ có được một quan niệm tốt về Chúa. Nếu phải so sánh với thái độ của Maria thì chúng ta thấy thái độ của Maria cao hơn nhiều.

Chúng ta hãy nghe Matta nói:

“Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm đến sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay!”.

Một câu nói:

– Vừa có tính cách kể công: “Tôi hầu hạ một mình”

– Vừa có tính cách trách móc: “mà thầy không quan tâm đến sao'”

– Và vừa có tính cách áp đặt ý muốn của mình trên ý muốn của Chúa. Lời nói tuy có nhẹ nhưng nội dung quả đúng là như thế: “Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi một tay”

Hoàn toàn như một con người với một con người.

b- Trái lại Maria thì khác hẳn. Điều mà Maria cần ở nơi Chúa là những Lời dạy bảo của Người. Chính vì thế mà Maria đã biết chọn cho mình một vị trí thật khiêm hạ. Vị trí của một người học trò, một người tôi tớ. Chúa Giêsu cũng ngồi nhưng ngồi trong tư thế của một bậc làm thầy. Còn Maria ngồi và Luca ghi rất rõ: ngồi dưới chân của Chúa.

Nếu được phép nhìn toàn cảnh cuộc đối thoại giữa ba người theo ngôn ngữ của hình ảnh thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn: Chúa Giêsu ngồi. Maria cũng ngồi nhưng ở bên chân của Chúa. Còn Matta thì đứng. Với tư thế này thì chúng ta thấy vị trí ba cái đầu: một của Chúa, một của Matta và một của Maria ở một độ cao khác nhau. Đầu của Matta ở độ cao nhất. Sau đó mới đến vị trí đầu của Chúa và cuối cùng mới đến Maria.

Từ vị trí đó chúng ta sẽ dễ hiểu lý do tại sao mà Matta lại dám kể công, trách móc và muốn áp đặt ý muốn mình trên ý muốn của Chúa. Còn Maria thì trái lại, lại mở thật rộng cõi lòng để đón nhận mọi lời Chúa dạy bảo.

Mối tương quan giữa Chúa và Maria đẹp hơn. Maria đã biết chọn Chúa làm Chúa cuộc đời của mình. Bà đã dành cho Chúa một vị trí thật xứng đáng.

c- Bây giờ chúng ta nghe sự phán quyết của Chúa. Chúa không trách nhưng Chúa dạy. Chúa muốn cho mọi người phải có một quan niệm đẹp và đúng về Ngài. Ngài đến không phải vì miếng ăn. Ngài đến để dạy cho người ta biết con đường đi đến Nước Trời. Có lần Ngài đã công khai tuyên bố điều đó. Và chính vì thế mà Ngài mới đến trong thế gian: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

Maria đã làm đúng ý của Chúa. Chúa bảo Maria đã chọn phần tốt nhất.

C. Đi xa hơn một chút chúng ta còn có thể coi thái độ của Maria như là thái độ mẫu mực của Tình yêu đối với Thiên Chúa. Bằng những việc làm cụ thể của mình, Maria đã cho chúng ta thấy thế nào là lòng yêu đích thực đối với Người.

Con người phải yêu mến Thiên Chúa, yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Nhưng yêu bằng cách nào?  Rõ ràng là con người không thể thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa theo cùng một cung cách với cách biểu lộ tình yêu giữa người với người.

Người Samaria đã biểu lộ tình yêu giữa người với người một cách thật tốt đẹp bằng những hy sinh thật đáng nể phục.

Matta đã thể hiện tình yêu đối với Chúa và các môn đệ của Ngài qua việc phục vụ thật chu đáo.

Những thái độ như thế quả là rất đáng khen. Chính Chúa cũng khuyên người ta làm như thế. Thế  nhưng đó mới chỉ là những việc giữa người với người.

Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu Người ở một mức độ cao hơn.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy rất rõ điều đó:

“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời thầy cha của thầy sẽ yêu mến người ấy” (Ga 14,23) –

“Tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì sẽ có sự sống đời đời” (Ga 5,24)

“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy (Ga 14,21)

Maria đã chọn phần tốt nhất vì Maria đã chọn thánh ý của Chúa và thi hành thánh ý đó. Việc làm của Maria đẹp lòng Chúa. Nó vừa nói lên ý thức của Maria đối với Chúa và đồng thời nó cũng nói lên vị trí của Chúa trong cuộc đời của mình.

Người ta kể lại rằng Charles Lamb là một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng về tài hài hước một cách nhẹ nhàng. Ông cũng là một người có một lòng quí mến và nhiệt tình hiếm có đối với gia đình và bạn bè. Ông thường tụ tập các bạn bè lại để trao đổi về vấn đề văn chương. Một lần kia trong một buổi họp, có một người bạn của ông đặt vấn đề: “Nếu chúng ta được trực tiếp nói truyện tay đôi với các văn sĩ nổi tiếng trên thế giới mà nay đã qua đời thì không biết chúng ta sẽ có phải có thái độ như thế nào đây?”

Rồi một người đưa ra một thí dụ: “Thí dụ như Dante (Người viết cuốn Hài kịch thánh về Thiên đàng – Địa ngục, luyện ngục…) bước vào phòng này thì chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Người khác hỏi: Nếu Shakespeare, một văn sĩ người Anh rất nổi tiếng, cùng tham dự với chúng ta đêm nay thì sao?

Ông Lamb nói thật lớn: “Tôi sẽ hân hoan đưa cả hai tay vui mừng đón tiếp tất cả những vị đó.Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao không biết diễn tả sao cho hết.”

Câu truyện đang có vẻ vui như thế thì có một người khác lên tiếng đặt vấn đề: “Giả sử như Chúa Kitô bước vào phòng này?”

Nét mặt của Ông Lamb bỗng trở nên nghiêm nghị khác thường. Im lặng một chút rồi ông trả lời: “Dĩ nhiên là tất cả chúng ta phải quì xuống!”

Chẳng cần phải nói thêm nữa, chúng ta cũng thấy được Maria đã chọn được phần tốt nhất là phần như thế nào. Maria đã không đón tiếp Chúa như một con người mà Maria đã nhận ra Chúa Giêsu là Chúa cuộc đời của mình nên Maria đã chọn cho mình một vị trí thật xứng hợp: ngồi bên chân Chúa để được dạy bảo. Đó là thái độ mà Chúa thích nhất và sự chọn lựa này đem đến cho Maria thật nhiều niềm vui và thật nhiều hạnh phúc là điều không ai lấy được.

Exit mobile version