Anh chị em thân mến,
Tuần trước chúng ta cùng nhau suy niệm về một vấn đề được coi là cốt lõi trong đạo của Chúa . Đó là vấn đề có liên quan đến giới luật yêu thương. Hôm nay Giáo hội muốn cho chúng ta suy gẫm tiếp về một trong những khía cạnh khác cũng có liên hệ đến vấn đề trên. Có thể nói đây là khía cạnh quan trọng nhất để giúp cho chúng ta dễ thực hiện giới luật yêu thương của Chúa. Đó là sự khiêm nhường, một nhân đức mà các nhà tu đức gọi là nhân đức nền tảng của đời sống thiêng liêng.
I. Như anh chị em đã biết khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu ngạo. Mà Chúa thì không thích sự kiêu ngạo vì người kiêu ngạo thường không sống thực với lòng của mình.
– Người kiêu ngạo thường đánh giá mình theo cái mình có hơn là theo cái mà công đồng Vat gọi là cái mình là.
– Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa hay đả kích những người Biệt phái và luật sĩ cũng chỉ vì họ sống như thế.
* Họ tưởng họ có được một mớ hiểu biết về luật pháp là họ đương nhiên trở thành Thầy dạy mọi người.
* Họ tưởng họ có cái quyền nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo là tất nhiên họ trở thành nhà mô phạm đối với mọi người.
* Họ tưởng họ có được một chỗ nhất trong đám tiệc, một chỗ cao trong hội đường là tự nhiên họ phải được mọi người nể vì và kính phục.
– Rõ ràng Chúa không bằng lòng với kiểu tự đánh giá mình như thế. Chúa có một cái nhìn khác về cuộc sống chứ không theo cái nhìn tầm thường như vậy.
* Đối với Chúa thì cuộc sống của những người biệt phái và luật sĩ chỉ là cuộc sống hình thức mà không có nội dung – có cái mã ở bên ngoài mà không có thực chất ở bên trong.
* Đã có rất nhiều lần Chúa quở trách họ một cách rất nặng lời. Thậm chí Chúa ví họ như những mồ mả bên ngoài sơn phết rất đẹp nhưng bên trong thì toàn là mùi xú uế.
– Đối với Chúa thì có phải nói có, không thì phải nói không. Và Chúa nhấn mạnh thêm: thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra.
– Chúa thích cái gì là thật, là đúng.
Trong Tin Mừng Chúa đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em.” André Frossard thuộc viện hàn lâm Pháp là bạn thân của Đức thánh Cha Gioan Phaolô II có lần đã hỏi Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, nếu phải chọn lấy một lời duy nhất của Tin Mừng để công bố thì Đức Thánh Cha sẽ chọn lời nào ?” Không một chút trần trừ, không cần phải suy nghĩ, Đức Thánh Cha trả lời ngay: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”. Sống theo sự thật là sống khiêm nhường. Thánh Têrêsa Avila đã quả quyết như thế.
2. Vậy thì sống khiêm nhường là sống như thế nào ?
– Thay vì đưa ra một ý kiến riêng tôi xin mượn cách trả lời của văn hào Dostoievsky. Theo ngôn ngữ của Dostoievsky thì sống theo sự thật là biết sống thực với căn tính của mình và góp phần vào việc xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn mới đối với những người khác.”
* Căn tính của tôi là gì ? – Chỉ là một thụ tạo không hơn không kém. Là một thụ tạo cho nên tôi phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, phải đặt mình dưới uy quyền của Ngài. Trong Tin Mừng có lần Chúa kể một câu truyện về hai người lên đền thờ để cầu nguyện: Một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái cầu nguyện trong tư thế đứng thẳng, đứng giữa cung thánh và cầu nguyện bằng cách phô trương công đức trước Thiên Chúa. Thái độ như thế không phải là thái độ của người khiêm nhường. Ngược lại người thu thuế cảm thấy mình bất xứng trước Thiên Chúa cho nên anh ta đứng cúi đầu xuống đấm ngực ăn năn và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Thái độ như thế là thái độ của một thụ tạo khi đối diện với Đấng tạo thành. Và đó là thái độ của kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng chúng ta còn thấy một lần kia, sau khi được chứng kiến mẻ cá lạ, Phêrô một ngư phủ dầy dặn về nghề đánh bắt cá, đã quì sụy lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa với Người: “Lạy Ngài . xin tránh xa con vì con là một người tội lỗi.” Thái độ đó là thái độ của một thụ tạo và đó cũng là thái độ của người khiêm nhường.
* Và từ thái độ của một thụ tạo trước Thiên Chúa mà tôi phải đi tới một thái độ khác đó là tôi phải coi và đối xử với mọi người như anh em. Lý do tại sao thì Chúa đã cho biết trong Bài TM hôm nay: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Chúng ta là con của cùng một Thiên Chúa là Cha…và cùng là người được Chúa Giêsu cứu chuộc. Mọi thái độ có tính cách “cha-chú” đối với nhau đều không phải là thái độ của những người anh em và chắc là không phải là thái độ của những người biết sống khiêm nhường.
* Hơn thế nữa, nếu đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Chúa còn cổ võ một nếp sống có tính cách quyết liệt và cao hơn nữa: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ phải là người phục vụ”. Đây quả là một quan niệm thật mới và táo bạo thời đó . Giữa lúc các xã hội còn đang bị chi phối bởi chế độ quân chủ và đầu óc con người còn nặng chất phong kiến mà Chúa đã có một quan niệm như thế thì phải nói là rất cách mạng. Không những Chúa nói mà Chúa còn sống như thế: “Thầy đến không phải được phục vụ mà là để phục vụ”.
II. Ngày 22.10.1978, trước mặt đầy đủ các vị trong hồng y đoàn, có khoảng chừng 100 phái đoàn ngoại giao và có khoảng 70.000 tín hữu tụ tập lại ở công trường Thánh Phêrô để tham dự buổi lễ đăng quang của người kế vị đức Gioan Phaolô I trên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố sự khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài bằng những lời rất cảm động sau đây: “Người kế vị mới của Phêrô trên tòa Roma này hôm nay xin được dâng lên Chúa Kitô một lời nguyện cầu thật chân thành, khiêm tốn và tin tưởng. Đó là xin cho có thể làm một nô bộc hay đúng hơn: làm nô bộc của các nô bộc của Người”. Và rồi người ta đã thấy Ngài đã sống như thế.
Trước đó, một vị Giáo hoàng cũng lấy danh hiệu là Gioan Phaolô. Đức Gioan Phaolô thứ I. Ngài chỉ sống trong chức vụ Giáo hoàng của Ngài một thời gian rất ngắn ngủi: chỉ có 33 ngày. Nhưng cuộc sống của Ngài đã để lại nhiều ấn tượng thật tốt đẹp. Jean Villot vị thư ký riêng của Ngài đã nói về Đức Thánh Cha với những lời lẽ cảm động như thế này: “Bên cạnh Ngài, tôi đã được sống những kinh nghiệm đạo đức phong phú nhất cuộc đời của tôi”
Trở về trước đó một chút nữa, ngày 14-12-1975, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo Hội Roma và Giáo hội chính thống Constantinopolis xóa bỏ sự khai trừ lẫn nhau có từ thế kỷ thứ 11 dẫn tới sự ly khai như Lịch sử đã cho chúng ta biết, một buổi lễ chính thức đã được cử hành long trọng trong nhà nguyện Sixtine nơi vẫn diễn ra các cuộc bầu cử Giáo hoàng. Tham dự buổi lễ hôm đó có 40 vị hồng y, toàn thể ngoại giao đoàn, các đại diện dòng tu nam nữ. Buổi lễ diễn ra trong một bầu khí thật đạo đức và thánh thiện. Vào gần cuối buổi lễ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm cho mọi người tham dự phải sửng sốt. Ngài tiến lại gần Đức Tổng Giám Mục Mêliten, vị Giáo chủ chính thống giáo, Ngài quì xuống, vén áo và hôn chân vị Giáo chủ này. Mọi người đều ngỡ ngàng.
Phải chăng đây là một sự hạ mình quá đáng ? Làm như vậy có thế mất thể diện chăng ? – Không. Không phải là hạ mình, cũng không phải là mất thể diện, mà là thể hiện tinh thần của Bài TM hôm nay. “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Dostoievsky nói: “Nếu mọi người hiểu được điều ấy thì thế gian này sẽ trở thành Thiên đàng”. Amen.