Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 34 Thường Niên, Năm A – Lễ Chúa Ki-tô Vua
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là một trong những câu truyện sống động nhất của Chúa Giêsu và bài học Chúa dạy cũng hết sức rõ ràng. Bài học đó là Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta theo những việc chúng ta làm cho nhau trong cuộc sống hằng ngày. Sự phán này không tùy thuộc vào kiến thức chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm chúng ta đã đạt được, nhưng tùy vào sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau.
Như vậy rõ ràng qua câu truyện này Chúa muốn chúng ta phải giúp đỡ người nhau.
1. Ta phải giúp đỡ nhau từ những nhu cầu thật đơn giản trong cuộc sống của mọi người như kẻ đói cần được cho ăn, kể khát cần được cho uống, những người khách lạ cần được tiếp đón, những kẻ bị cầm tù cần phải được viếng thăm.
Ngày nay Mẹ Têrêsa còn cho biết thêm: có nhiều người đói thức ăn, nhưng cũng có nhiều người đói những thứ khác như đói được biết đến, đói được yêu thương, đói được tôn trọng …
Trần truồng không phải chỉ là không quần áo, mà còn là không nhân phẩm, không trong sạch, không tự trọng.
Vô gia cư không phải chỉ là không có nhà, mà còn là bị ruồng bỏ, bị coi là vô dụng.
Chứng bệnh nặng nhất của thế giới hôm nay là cảm giác bị bỏ rơi không ai để ý đến, không ai quan tâm chăm sóc….
Sự ác lớn nhất của thế giới hôm nay là thiếu tình yêu là dửng dưng với người bên cạnh.
Đó là những việc này chúng ta có thể gặp hàng ngày. Tất cả cần phải được quan tâm.
2. Phải giúp đỡ nhưng giúp đỡ với tinh thần nào ? Thưa là tinh thần không tính toán.
Tất cả những người đã giúp đỡ người khác trong câu truyện hôm nay đều không ai nghĩ rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng yêu thương thật.
Oscar Wilde đã viết một câu chuyện rất đẹp, tựa đề là The Happy Prince, như sau:
Một ông Hoàng kia sống một cuộc đời rất hạnh phúc .
Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.
Một buổi nhiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của ông Hoàng. Ông đang khóc.
– Tại sao ông khóc ? Ông là ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!.
– Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không ?
– Không được, tôi phải bay đi Ai Cập.
– Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.
– Thôi được! Bây giờ ông muốn tôi làm gì ?
– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.
Hôm sau ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Và lúc đó mùa đông đã tới, trời đổ lạnh rất nhiều. Sáng hôm đó, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.
Vâng có ai ngờ những việc tốt chúng ta làm cho nhau lại là làm cho chính Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40).
Ngược lại như Lời Chúa quả quyết những gì chúng ta từ chối không giúp đỡ người khác cũng có nghĩa là chúng ta không giúp Chúa.
Khi đã không muốn giúp đỡ những người khác thì người ta có thể nại ra đủ mọi thứ lý do để từ chối.
Năm 1880, ở thành phố Paris, có một Linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một Cha Sở xin được trọ qua đêm. Cha Sở tiếp rất thờ ơ rồi chỉ cho Linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.
Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bậc hiển thánh. Khi nghe tin đó, Cha Sở nọ nói:
“Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để Ngài ở trên cái gác xép ấy, trại lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho Ngài rồi.
Quả thật chúng ta không bao giờ biết rõ những kẻ chúng ta gặp là những người như thế nào. Nhưng điều này không quan trọng. Điều quan trọng đối với những kẻ có đức tin là chính Chúa hiện thân trong những người ấy.
Giúp đỡ để được người ta khen ngợi, cám ơn và công bố ra cho nhiều người biết, thì không phải là giúp đỡ nữa mà là kiêu ngạo, ích kỷ trá hình. Sự giúp đỡ đẹp lòng Chúa là sự giúp đỡ không vì mục đích nào ngoài sự giúp đỡ cả.
3. Và cuối cùng Chúa cổ võ tình yêu thương qua việc chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau để làm gì ? Câu trả lời cũng không khó lắm. Thưa để thiết lập Nước Trời của Chúa ngay trên trần gian này và mai sau được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Ngày xưa người Do Thái hiểu Nước Thiên Chúa chính là Nước Do Thái, một nước Do Thái hùng cường phồn vinh làm bá chủ nhiều nước khác. Hiểu như vậy là sai.
Ngày nay nhiều người hiểu Nước Thiên Chúa là Giáo Hội, một Giáo Hội có rất đông tín đồ, một Giáo Hội có tổ chức quy mô, khiến cho người ngoài nể phục. Hiểu như vậy có đúng không ? Thưa chỉ đúng một phần thôi, là phần bề ngoài, phần hình thức, phần tổ chức.
Một câu chuyện vui:
Một buổi sáng tưng bừng, một bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa Thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi thấy Thánh Cả chỉ cho bác tài xế của mình một tòa nhà đồ sộ, bà ta sung sướng nghĩ bụng:
– Bác tài mà còn được ở một tòa nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Tôi sẽ phải được một tòa nhà nguy nga lộng lẫy đến chừng nào!
Và bà ta xoa tay sung sướng.
Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, Thánh Phêrô quay lại chỉ vào một túp lều lụp xụp nhỏ ở bên góc, nói:
– Đó là nhà của bà!
Bà ta hốt hoảng, cả đầu óc choáng váng lên:
– Nhà của tôi đó thật sao ? Không tôi không thể nào sống trong một căn lều xấu xí như thế được!
Thánh Phêrô đem tay vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt:
– Thưa bà, tôi rất tiếc không thể làm hơn thế được. Với vật liệu bà gởi tới cho tôi xưa nay, tôi chỉ có thể làm được ngần ấy thôi ?.
Một nhà giàu hỏi xem thiên đàng ở đâu ?
Ngày lễ Mông Triệu, cha xứ giảng về thiên đàng. Sau lễ, cha gặp người giàu có nhất làng. Ong này mới nói: “Thưa cha, cha vừa giảng một bài rất hay về thiên đàng, nhưng cha đã không nói thiên đàng ở đâu ?” Cha xứ trả lời: “Này ông, tôi sẽ nói cho ông biết thiên đàng ở đâu. Bên kia đường, trong một căn nhà nghèo nàn, có một bà góa sống với 2 đứa con nhỏ. Cả 3 đều lâm bệnh, đói khát và cùng khổ. Ông hãy chu cấp cho bà những gì bà cần và hãy trả tiền bác sĩ cho bà. Sau đó hãy đọc đoạn 25 Phúc âm thánh Matthêo, đoạn này nói đến phán xét cuối cùng và tôi chắc chắn là ông sẽ biết thiên đàng ở đâu. Nếu ông không biết nữa, thì hãy đến đây và tôi sẽ nói cho ông biết”. Người giàu kia làm những gì cha sở bảo và giúp đỡ tận tình bà góa. Sau này, khi gặp cha xứ, ông nói: “Thưa cha, con như ở thiên đàng trong ngày đó. Cha không thể tưởng tượng được con vui sướng hạnh phúc trong tâm hồn biết dường nào, và niềm vui ấy kéo dài cho đến ngày hôm nay”. Chính vì Thiên đàng là một trạng thái tâm hồn, là “sự bình an và niềm vui của một lương tâm ngay chính”.