Tag Archive for: Lc

03/09 – Thứ Ba tuần 22 thường niên. – Thánh Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Lời Chúa: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó.

Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Suy niệm: Mọi người ở hội đường sửng sốt về cách giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giê-su. Khác với các kinh sư, Ngài không trích dẫn các bậc thầy nổi tiếng, nhưng đưa ra ý kiến độc lập và tích cực của mình về vấn đề giải thích và áp dụng Luật. Lời uy quyền ấy lại được minh chứng bằng phương cách trừ quỷ độc đáo. Trong khi các thầy trừ quỷ xua đuổi quỷ bằng các câu thần chú, lời gào thét, hoặc nghi lễ có tính ma thuật, Ngài chỉ cần một lời, lời ngắn gọn, nhưng đầy sức mạnh, đã khiến quỷ phải vâng phục. Phản ứng yếu ớt của quỷ -kêu la van nài- cho thấy chúng hiểu rằng khi Đấng Thánh xuất hiện, chúng chỉ còn một con đường tháo lui. Quả vậy, ánh sáng và tự do của Đấng Thánh này đi đến đâu, bóng tối và sự áp chế của ma quỷ trên con người lùi bước đến đấy.

Mời Bạn: Bạn vẫn ở dưới trướng của ma quỷ khi lòng bạn bị “ám” bởi của cải, hưởng thụ, danh tiếng, lòng ham mê nhục dục, quyền hành thống trị. Bạn hãy để Lời đầy uy quyền của Ngài khu trừ những thứ “quỷ ám” của thời đại, để tâm hồn, gia đình bạn… thật sự là nơi Chúa ngự trị.

Sống Lời Chúa:  Tôi xin Chúa Thánh Thần giúp mình nhận dạng những hình thức “quỷ ám” đang thống trị tâm hồn mình. Bạn đến với bí tích hoà giải để lời uy quyền của Chúa xua đuổi ma quỷ khỏi tâm hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dựa vào sức mạnh Lời Chúa. Xin dùng Lời uy quyền của Chúa để xua trừ khỏi lòng chúng con sự ích kỷ, lòng oán hờn, tính tham lam, thói hưởng thụ, là những thói xấu cho thấy ma quỷ đang thống trị tâm hồn chúng con. Amen.

 

02/09 – Thứ Hai tuần 22 thường niên.

“Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó… Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Lời Chúa: Lc 4, 16-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình”; “điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông”. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Suy niệm: Dân làng Na-da-rét “tán thành và thán phục” những lời Đức Giê-su giảng dạy. Nhưng đàng sau sự thán phục đó là thái độ hỗn độn của thành kiến pha lẫn ghen tức và vụ lợi. Dưới mắt họ, Đức Giê-su chỉ là một người bình thường, con bác thợ mộc Giu-se và bà Ma-ri-a những người cũng có cuộc sống bình dị như họ, thế mà sao giờ đây ‘ông ấy’ giảng hay như thế, và làm những phép lạ kỳ diệu như thế! Họ ‘khen’ Chúa như vậy chẳng qua là vì mong Ngài cũng sẽ làm cho họ những phép lạ như Ngài đã làm ở Ca-phác-na-um. Nhưng khi Đức Giê-su vạch trần ý đồ vụ lợi đó, lập tức họ đã ‘trở mặt’ thành phẫn nộ đến mức họ lôi Ngài lên núi để xô xuống vực.

Mời Bạn: Khi bạn có thành kiến với ai đó, bạn ‘nhốt’ họ trong bốn bức tường cứng nhắc là những quan điểm của bạn thay vì cảm nhận được con người và giá trị của họ. Dưới mắt bạn, họ là như vậy, mãi mãi không thể thay đổi. Thế mà, cuộc sống luôn biến đổi, phát triển không ngừng, trong khi đó, con người là một ‘mầu nhiệm’ mà bạn không thể thấu hiểu. Tất cả những điều đó đòi hỏi bạn phải phá đổ mọi bức tường thành kiến để nhận biết và thán phục những giá trị luôn luôn mới nơi cuộc sống và người khác.

Sống Lời Chúa: Bạn khám phá một giá trị tốt nơi người khác, nhất là nơi người mà, tự nhiên, bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, “trên thập giá, Chúa đã phá đổ mọi bức tường ngăn cách” (x. Ep 2,14-16), xin giúp con phá đổ bức tường thành kiến ở nơi con.

27/08 – Thứ Ba tuần 21 thường niên – Thánh nữ Mônica. Lễ nhớ. Bổn mạng Giới Hiền Mẫu.

“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”

Lời Chúa: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.

Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

Suy niệm: Đức Giê-su thẳng thắn chỉ cho người Pha-ri-sêu và các kinh sư thấy sai lầm của họ: chỉ tuân giữ các luật lệ bên ngoài, nhưng lại bỏ qua trọng tâm của các luật lệ là “công lý, lòng nhân và thành tín.” Như vậy, họ tuân giữ điều phụ tùy, mà cố tình bỏ qua cái chính yếu. Con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ, dễ lẫn lộn giữa điều chính và việc phụ, giữa thực tại và cái ảo tưởng. Chẳng hạn: đắm chìm với cuộc sống ảo trên mạng xã hội, rút lui, xao lãng cuộc sống thực. Khi cuộc sống ảo lên ngôi, các giá trị tưởng tượng được đề cao, thì cuộc sống thực, các giá trị thực sự như tình yêu thương con người, lòng bác ái, bao dung tha thứ, hy sinh vì tha nhân bị xem nhẹ. Trong một xã hội như vậy, người Ki-tô hữu cũng bị ảnh hưởng, quá chú trọng đến những hình thức bên ngoài như đọc kinh, dự lễ, rước kiệu hoành tráng, Thánh lễ đại trào đông người tham dự, cuộc hội họp đông đảo, nhưng xao lãng điều cốt lõi của đạo mình: lòng mến Chúa yêu người.

Mời Bạn: Cốt lõi của mọi lề luật là công bình và bác ái. Vì thế, bạn hãy chọn hai nhân đức ấy là tiêu chuẩn cho đời Ki-tô hữu của mình, cũng như áp dụng cho mọi cách hành xử trong đời thường.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian cuối ngày để xét mình, xem tôi đã thực thi đức công bình và bác ái như thế nào với người khác, đặc biệt với những người sống ngay bên cạnh mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đề cao đức công bằng và yêu thương trong đời sống. Xin cho con sống đức công bằng, thực thi lòng nhân, sự thành tín (x. Mt. 23,23) khi vâng giữ lề luật, ngõ hầu cho con mến Chúa – yêu người thật tâm. Amen.

 

22/08 – Thứ Năm tuần 20 thường niên – Đức Maria Nữ Vương. Lễ nhớ.

“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai”.

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:

“Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

Suy niệm: Việc cô thôn nữ Ma-ri-a sẵn lòng chấp nhận một tin cực sốc, vượt quá mọi suy tưởng trong sự kiện truyền tin là điều chẳng dễ dàng chút nào. Những lời minh định về sứ mạng Đấng Cứu Thế của sứ thần lại càng làm tăng sự bối rối nơi cô thôn nữ ấy. Thế nhưng, như chúng ta thấy, kết cục việc Đức Ma-ri-a chấp nhận lời sứ thần truyền đã biến Mẹ nên cao cả và “từ đây mọi thế hệ sẽ khen mẹ là người có phúc.” Sự kiện truyền tin chỉ xảy ra trong chốc lát, song đã được Thiên Chúa hoạch định từ muôn đời. Sự kiện ấy chỉ diễn ra trong một khoảng khắc, nhưng Mẹ đã dành cả cuộc đời để thực hiện ngõ hầu vâng theo tiếng Chúa mời gọi. Mẹ đã vâng phục vì Mẹ đã tin, và vì tin nên Mẹ nên cao trọng. Mẹ được Thiên Chúa đặt làm Nữ Vương trên trời dưới đất sau khi về trời.

Mời Bạn: Không ít người hối tiếc vì không biết chấp nhận sự việc chỉ xảy ra một lần trong đời. Bạn có nằm trong trường hợp ấy không? Nếu chưa, thì cẩn trọng đừng để đánh mất mọi cơ hội bằng vàng trong đời mình. Nếu đang  sống  trong ơn gọi hôn nhân gia đình hay linh mục tu sĩ, hãy nhớ bạn chỉ tuyên hứa trọn đời một lần, nhưng sống từng lời hứa ấy trong mọi khoảng khắc của cuộc đời mình.

Sống Lời Chúa: Ta không nên coi việc vâng phục Chúa như điều kiện nên cao trọng, nhưng vâng phục để trở nên người phục vụ. Đức Mẹ đã chẳng tự hào vì mình là “tôi tớ” Chúa đó sao?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con noi gương Đức Mẹ, biết lắng nghe và thực hành lời Chúa hầu trở nên con yêu quí của Chúa. Amen.

15/08 – Thứ Năm tuần 19 thường niên – ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Lời Chúa: Lc 1, 39-56

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa.

Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh.

Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không.

Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Suy niệm: Nơi Đức Ma-ri-a kết hợp những thực tại xem ra rất khác biệt không thể dung hoà: nữ tỳ khiêm tốn trở thành “đối tác” với Thiên Chúa chí tôn; trinh nữ “không biết đến người nam” lại cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; và nơi cung lòng của Mẹ, bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính con người trong con người Giê-su. Những sự kết hợp tuyệt vời ấy được diễn tả cách tuyệt vời qua lời tụng ca Magnificat. Mẹ cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, với niềm vui và sự rung động sâu xa tận tâm hồn: vì Mẹ nhận ra tình thương Chúa đang cúi xuống trên những con người nghèo hèn bé nhỏ; vì Mẹ nhận ra  rằng: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” không phải vì mình có công trạng khả năng gì, nhưng vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.

Mời Bạn: Vâng, lời ca tụng Magnificat không chỉ diễn tả tâm tình của Mẹ “hớn hở vui mừng” lúc bình minh ơn cứu độ, mà còn cảm nghiệm lòng thương xót Chúa khi đứng dưới chân thập giá và tôn vinh cánh tay Ngài biểu dương sức mạnh trong ngày Chúa Ki-tô phục sinh. Điều đó cho bạn và tôi thấy được tính chất ngôn sứ của Đức Ma-ri-a và của những ai dám theo Chúa đi vào đời với một niềm tin yêu hy vọng.

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, chúng ta hãy thể hiện niềm tin trong cuộc sống qua việc sống khiêm nhu và phục vụ để nâng cao phẩm giá những ai bé nhỏ, đói nghèo, bị khinh chê, bỏ rơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có được tâm tình sống như Mẹ để cuộc sống hôm nay là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng.

29/07 – Thứ Hai tuần 17 thường niên – Thánh nữ Mát-ta, Maria và Ladarô. Lễ nhớ.

“Mát-ta đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mát-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.

Mát-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.

Suy niệm: Năm 1973, khi Mẹ Tê-rê-xa Kôn-ka-ta được trao tặng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự về thần học của đại học Kempet, Anh quốc, một ký giả đã hỏi mẹ như sau: “Đâu là động lực thúc đẩy Mẹ bắt tay vào việc phục vụ người nghèo?” Người ta chờ đợi câu trả lời dài với rất nhiều lời giải thích. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Mẹ Tê-rê-sa chỉ đáp gọn bằng một tiếng vắn gọn: “Chúa Giê-su.” Vâng, “Tất cả vì Chúa và cho Chúa.” Hẳn là Mác-ta và Ma-ri-a cũng chỉ có một động cơ như thế. Mỗi người đón tiếp Chúa theo cách của mình. Mác-ta với lòng nhiệt thành phục vụ lo chuẩn bị bữa ăn. Còn Ma-ri-a thì ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người. Ngài không đề cao thái độ này để hạ thái độ kia, nhưng Ngài muốn chúng ta đừng quên rằng việc ưu tiên số một là lắng nghe lời Ngài trong tâm tình cầu nguyện, và tâm tình đó không được thiếu vắng ngay cả khi bạn lăn xả vào hoạt động tông đồ.

Mời Bạn: Bạn đã thống nhất đời sống của bạn chưa? Nghĩa là việc cầu nguyện có chiếm địa vị ưu tiên nhất và có thấm nhuần vào mọi hoạt động khác trong ngày sống của bạn không? Việc hoạt động sẽ bị lạc hướng nếu không có cầu nguyện. Ngược lại cầu nguyện mà không có hoạt động thì chỉ là lời cầu suông.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc gì bạn hãy bắt đầu bằng cách cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.

24/06 – Thứ Hai tuần 12 thường niên – SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ. Lễ Trọng.

“Nó sẽ gọi tên là Gioan

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.

Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

Suy niệm: “Trên nền nhạc du dương của ca khúc ‘Cha Mẹ Không Cho’…, bài múa là câu chuyện day dứt của những sinh linh không bao giờ được cất tiếng khóc chào đời… thể hiện ngay trong những ca từ của bài hát: ‘Có những đôi mắt chưa bao giờ được mở, đôi bờ mi chưa bao giờ được khóc, có những bàn tay chưa bao giờ được duỗi thẳng ra, cầm gì đó, sờ vào ai đó’…” (Tuổi Trẻ Online ngày 09/05/2013). Lời hát như tiếng khóc xé lòng: “Con nào có biết đâu vì sao lại như thế này… Vì sao lại không cho?… Không cho con niềm vui được mở mắt?…” Thánh Gio-an Tẩy Giả được diễm phúc chào đời trong vòng tay của “láng giềng thân thích đến chia vui” vì thấy “bàn tay Chúa phù hộ em”. Ngày sinh của Gio-an đã trở nên “tiếng kêu trong sa mạc”, đòi trả lại quyền làm người cho biết bao triệu sinh linh mà “cha mẹ không cho chào đời” đó.

Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày 12/05/2013, ngỏ lời với hơn 20.000 người tham gia cuộc Tuần Hành Vì Sự Sống đã kêu gọi mọi người “tôn trọng sự sống con người ngay từ giây phút thụ thai” và ủng hộ việc “đòi hỏi sự bảo vệ pháp lý đối với các phôi thai, để con người phải được bảo vệ ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc sống.” Bạn đã làm gì để góp phần bảo vệ sự sống ngay trong môi trường bạn đang sống?

Sống Lời Chúa: Dành một phút để tưởng nhớ những sinh linh bị từ chối quyền sống khắp nơi trên thế giới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là chủ của sự sống, xin cho mọi người biết tôn trọng sự sống mà Chúa đã ban cho thế giới.

31/05 – Thứ Sáu tuần 8 thường niên – ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ Ê-LI-SA-BÉT. Lễ kính.

“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”

Lời Chúa: Lc 1, 39-56

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.

“Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Suy niệm: Động lực nào thúc đẩy Đức Ma-ri-a vội vã đi trên quãng đường dài 144 km từ Na-da-rét đến Ein Karem để thăm bà Ê-li-sa-bét? Ta tìm thấy động lực ấy nơi lời kinh Magnificat. Ngài ngợi khen Đức Chúa không chỉ bằng lời kinh, nhưng còn qua nghĩa cử yêu thương cụ thể: thăm viếng, phục vụ người chị họ ba tháng ròng rã. Thần trí hớn hở vui mừng vì dù chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, Đấng Toàn năng đã thực hiện cho Mẹ bao điều cao cả vượt quá suy tưởng con người, thì nay Mẹ cũng muốn chia sẻ niềm hớn hở vui mừng ấy cho người thân, cũng trong tư thế nữ tỳ: vất vả đi lại, ân cần thăm hỏi, tận tụy đỡ nâng. Đức Chúa không chỉ thương xót Mẹ, nhưng cũng bày tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài như ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét; do đó, Mẹ cũng phải đến tận nhà để chia sẻ niềm vui ấy của ông bà.

Mời Bạn: Khi có tâm tình tri ân Thiên Chúa, lòng trí vui tươi hân hoan vì cảm nhận bao điều kỳ diệu Chúa thực hiện trong lịch sử đời mình, bạn sẽ dễ dàng thực thi tình yêu thương: thăm viếng, phục vụ, ủi an, giúp đỡ, quan tâm, ân cần… với người lân cận, nhất là với các người bé nhỏ của Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Để đào tạo một tâm hồn biết ơn Chúa, thỉnh thoảng tôi tập cầu nguyện hồi tưởng: ghi nhớ những điều tốt đẹp Chúa thực hiện cho mình qua các giai đoạn của lịch sử cuộc đời, những người Chúa gởi đến nâng đỡ mình trong các hoàn cảnh khác nhau, để rồi dâng lời cảm tạ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa luôn ở bên con trong mọi tình huống của đời con. Xin ban cho con một tâm hồn luôn biết tri ân cảm tạ. Amen.

14/04 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B.

“Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho”.

Lời Chúa: Lc 24, 35-48

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”.

Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”.

Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.

Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Suy niệm: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ để củng cố niềm tin và sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng. Trong lần hiện ra được thánh Lu-ca kể lại ở đây, Chúa Giê-su ngỏ lời chào, đưa tay chân cho các ông xem, xác nhận rằng: “Chính Thầy đây mà” (Lc 24,39). Ngài còn ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông. Bằng những câu nói và cử chỉ rất cụ thể sống động, Chúa cho các ông rằng Ngài đã thực sự sống lại. Đây là chân lý cốt lõi trong niềm tin và sứ vụ của các tông đồ. Quả thực lời rao giảng đầu tiên gồm tóm trong bản tuyên xưng với bốn điều căn bản: Đức Ki-tô chịu chết; Đức Ki-tô sống lại; nhờ Ngài nhân loại lãnh nhận ơn tha tội và ơn cứu rỗi và “chúng tôi xin làm chứng cho những điều đó” (Cv 3,15).

Mời Bạn: Đời sống và sứ vụ của Hội Thánh và của ki-tô hữu nảy sinh từ lời rao giảng đầu tiên đó. Thánh Phao-lô nói rõ: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá (1Cr 2,1-2) Mầu nhiệm của chết và sống lại có ý nghĩa gì đối với tôi?

Sống Lời Chúa: Tôi lánh xa tội lỗi và tập hy sinh từ bỏ thói hư tập xấu với ý hướng: cùng chết đi với Đức Ki-tô để cùng sống lại với Ngài. (x. Rm 6,8-11).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã hiến tế trên thập giá để hủy diệt tội lỗi và sự chết; Chúa đã sống lại để ban cho chúng con sự sống mới. Xin Chúa luôn ở với con và dẫn dắt con đi theo con đường của Chúa: đường của yêu thương và phục vụ, đường của hy vọng và bình an. Amen.