Tag Archive for: Lc

12/03 – Thứ Tư tuần 1 Mùa Chay.

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Suy niệm: Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài. Vị trí của dân thành Ni-ni-vê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ít-ra-en, dân riêng của Chúa. Còn ngôn sứ Giô-na dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Ki-tô: “Ở đây còn hơn ông Giô-na nữa.” Nếu như dân Ni-ni-vê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giô-na rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!

Mời Bạn: Công Đồng Tren-tô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676). Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện. Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em, đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giô-na mà dân Ni-ni-vê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giê-su, Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?

Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích Hoà Giải.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

09/03 – CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY năm C.

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Lời Chúa: Lc 4, 1-13

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ.

Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”

Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Suy niệm: Cám dỗ đầu tiên ma quỷ tấn công Chúa Giê-su là một điều hết sức bình thường của cuộc sống: có một tấm bánh để ăn trong lúc đói lòng. So với hai cám dỗ tiếp theo về quyền lực và danh vọng thì có vẻ nó là chuyện ‘lẻ tẻ’, thế nhưng nó lại là cơn cám dỗ ghê gớm nhất. Những ai đã từng chịu đói, đã từng phải chạy đôn chạy đáo kiếm bữa cháo qua ngày sẽ thấy sự kinh khủng của cơn cám dỗ này. Vì miếng ăn, người ta có thể bán rẻ lương tâm, lường gạt bạn bè, cướp giật và thậm chí chém giết nhau. Chúa Giê-su đã chịu đựng cơn cám dỗ này sau một chuỗi dài 40 ngày nhịn đói và Ngài đã anh hùng chiến thắng nó với lời khẳng định: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Lương thực của Ngài là “thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Mời Bạn: Người ta vẫn thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ lo cho phần ‘có thực’, nghĩa là chỉ lo cho việc ăn uống nuôi thân xác, mà quên mất việc ‘được đạo’, nghĩa là nuôi sống phần hồn bằng Lời Chúa, bằng đời sống đạo sốt sắng và sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa.

Sống Lời Chúa: Lấy câu Lời Chúa: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh” làm châm ngôn sống đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những cơn cám dỗ thỏa mãn thân xác vẫn đến và muốn đánh ngã con mỗi ngày. Xin giúp con sức mạnh để vượt thắng chúng bằng việc bớt chăm sóc thân xác nhưng quan tâm lo lắng đến phần hồn nhiều hơn. Amen.

08/03 – Thứ Bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Suy niệm: Có một người dự tòng thắc mắc: mình vốn sống lương thiện, nay tin Chúa, muốn theo đạo, có làm gì sai mà phải “sám hối”, phải “rửa tội”? Thắc mắc đó đi vào đúng trọng tâm của Ki-tô giáo. Thánh Gio-an Tẩy giả đúc kết lời rao giảng bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Và Chúa Giê-su khi khởi đầu rao giảng cũng lặp lại chính những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì thế mục tiêu của Chúa trong chương trình cứu độ là tìm kiếm những người tội lỗi, hay nói đúng hơn, là những người nhận biết mình tội lỗi và kêu gọi họ sám hối để được cứu độ. Và không chỉ rao giảng bằng lời, Chúa còn nêu gương bằng cách chính Ngài gánh lấy tội lỗi muôn người làm tội của mình để mà đền thay.

Mời Bạn: Việc đầu tiên người tông đồ phải làm để loan báo Tin Mừng là chính mình phải sám hối vì nhận thức được rằng mình là người có tội với Chúa và với tha nhân: có tội vì đã không tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ, đã không yêu thương tha nhân như tha nhân đáng được yêu thương; hơn nữa, phải cảm nhận được trong tội lỗi của tha nhân cũng có phần trách nhiệm của tôi: nếu tôi thánh thiện hơn thì những tội lỗi như thế có thể đã không xảy ra.

Chia sẻ : Cảm thức về tội lỗi như thế có phải là mặc cảm tội lỗi và làm suy giảm phẩm giá con người không?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

 

06/03 – Thứ Năm đầu tháng, sau lễ Tro.

“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Lời Chúa: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Suy niệm: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, câu thơ của Tào Tùng thời Đường (Trung Quốc) diễn tả tâm trạng ngậm ngùi của vị tướng chiến thắng khải hoàn trong vinh quang nhưng với cái giá phải trả là hằng vạn binh sĩ của ông đã phải phơi xương tại trận tiền. Quả thật, Chúa không hứa hẹn cho những kẻ theo Ngài một cuộc sống dễ dàng, được giàu sang phú quý nơi trần thế, mà trái lại phải chấp nhận hy sinh, gian khổ, và kể cả cái chết. Mặt khác, Ngài không phải là vị tướng ‘sát quân, thí tốt’ khi kêu gọi “ai muốn theo tôi, phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Nhưng, trước khi yêu cầu điều đó, Ngài báo trước chính Ngài “sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chính Ngài đã đi trước chúng ta trên con đường khổ giá đó, và mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, cùng chết với Ngài và sẽ được cùng Ngài sống lại.

Bạn thân mến, đi theo Đức Ki-tô là đi vào con đường từ bỏ và hy sinh. Đó là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là từ bỏ lòng tự mãn, ý riêng, từ bỏ những đam mê bất chính đối nghịch với Tin Mừng. Đồng thời, đó cũng là “vác thập giá mình hằng ngày”, là hy sinh, đón nhận những lao nhọc vất vả, bệnh tật… trong cuộc sống, với những thách đố của đức tin. Bạn có sẵn sàng từ bỏ và hy sinh để bước theo Ngài không?

Sống Lời Chúa: Thực hành hy sinh qua thái độ vui tươi nhẫn nhịn trước sự khó chịu, xúc phạm người khác gây ra.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết từ bỏ tính ích kỷ, để chúng ccon quảng đại đón nhận tha nhân dù họ vẫn còn những khuyết điểm khó thương.

02/03 – CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN năm C.

“Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng”.

Lời Chúa: Lc 6, 39-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Suy niệm: Hãy thử tưởng tượng một người mang đôi kính vấy bẩn rồi phàn nàn rằng mọi thứ xung quanh đều mờ đục. Thực ra, vấn đề không nằm ở xa bên ngoài mà là ở chính đôi kính anh ta đang đeo. Dùng một hình ảnh rất dí dỏm nhưng thật ý nhị: một người có cái xà to đùng trong mắt mà lại đòi lấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác, Đức Giê-su dạy các môn đệ thay vì xét đoán tha nhân, trước tiên phải nhìn lại chính mình và sửa đổi bản thân trước đã. Thật vậy, khi tâm hồn bị lấp đầy bởi tính ích kỷ và kiêu ngạo, khi cái nhìn bị che khuất bởi thành kiến, thì mọi sự, từ nhận thức đến hành động của ta, đều trở nên méo mó sai lệch. Và nếu lấy cái sai lệch đó làm thước đo cho sự ngay chính thì hậu quả sẽ nguy hại khôn lường, vì “mù mà lại dắt mù” thì cả hai sẽ “sa xuống hố”.

Mời Bạn: Chúa không bảo ta đừng giúp anh em sửa lỗi, nhưng Ngài dạy rằng trước khi làm điều đó, ta cần khiêm tốn xét mình, thanh luyện bản thân để có cái nhìn trong sáng, bao dung thì lời nói của ta mới có sức thuyết phục và mang lại điều tích cực cho tha  nhân.

Sống Lời Chúa: Thay vì lấy mình làm tiêu chuẩn xét đoán người khác, mỗi ngày bạn dành thời gian để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con dễ dàng phán xét anh em mà quên xét lại chính mình. Xin cho con biết khiêm tốn để nhận ra và sửa chữa những nết xấu của bản thân; xin cho con tấm lòng bao dung nhân hậu như Chúa để đón nhận tha nhân với tất cả những khuyết điểm lầm lỗi của họ và giúp nhau chữa lành những tật bệnh tâm hồn. Amen.

23/02 – CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN Năm C.

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Lời Chúa: Lc 6, 27-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy.

Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Suy niệm: Sách Sa-mu-en thuật lại cử chỉ cao đẹp của vua Đa-vít tha chết cho vua Sa-un khi ông có cơ hội giết nhà vua, kẻ đang tìm giết mình. Lý do buông tay của Đa-vít rất rõ ràng: vì ông “không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu” (1Sm 26,23). Bài Tin Mừng giúp chúng ta chiêm nghiệm lại những lời dạy cao đẹp của Đức Giê-su: yêu mến, làm ơn, chúc phúc, cầu nguyện cho những người xúc phạm, làm tổn thương ta. Chúa mời gọi chúng ta thực hiện những nghĩa cử cao đẹp như vậy vì ta là môn đệ của Ngài, thì cũng phải có trái tim nhân hậu, hiền lành, quảng đại như Ngài. Không thể chiến thắng thù hận, cái ác, bạo lực bằng thù hận, cái ác, bạo lực. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng sự dữ, và thù hận khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, bởi vì: “Trên thập giá, Đức Ki-tô đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).

Mời Bạn:Chúng ta có một trái tim, một trái tim cùng tồn tại với những trái tim khác giúp làm cho nó thành một “Bạn”… Mọi hành động của chúng ta phải được đặt dưới “quy tắc chính trị” của trái tim” (Dilexit nos, số 12-13). Bạn nghĩ sao về những lời này? Và trái tim bạn đang đập, thổn thức, được nuôi sống trong môi trường yêu thương hay hận thù, cảm thông hay ghen ghét, đón nhận hay loại trừ?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi dâng lời cầu nguyện cho một người mà tôi không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.

(Kinh Hòa Bình)

16/02 – CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN Năm C.

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Lời Chúa: Lc 6, 17. 20-26

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật.

Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi.

Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.

Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.

Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi.

Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát.

Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc.

Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Suy niệm: Người đời tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài chống lại thứ nghèo làm tổn thương nhân phẩm. Ngài muốn con người được sự giàu có vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu có chỉ đem lại niềm hạnh phúc chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Nghèo có phúc là: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.

Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.

Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến cảm thông, chia sẻ thay vì tư lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.

09/02 – CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN Năm C.

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Lời Chúa: Lc 5, 1-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế.

Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Suy niệm: Chàng ngư phủ Si-mon bị một cú bất ngờ choáng váng. Trong thâm tâm, chàng ta nghĩ mình sẽ chẳng kéo được lấy một con cá nhỏ. Kinh nghiệm nghề cá đầy mình như chàng mà “vất vả suốt đêm chẳng bắt được gì” nữa là mấy lời khuyên vu vơ của một người chuyên nghề thợ mộc! Thế nhưng, chỉ vì vâng lời Thầy, vị Thầy mà chàng một lòng kính phục, Si-mon mau mắn chèo thuyền ra “chỗ nước sâu” và thả lưới. Kết quả bất ngờ ngoài sức tưởng tượng: “hai chiếc thuyền đầy cá đến gần chìm” đã quật ngã mọi kiêu hãnh, tự phụ trong con người Si-mon. Từ lời nói quyền uy vô song của Thầy Giê-su, chàng nhận thấy thân phận tội lỗi của mình, điều đó cũng có nghĩa là chàng tuyên nhận Thầy là Đấng Thánh, là chính Thiên Chúa. Và cũng nhờ lời quyền uy ấy kêu gọi, chàng ngư phủ Si-mon dứt khoát ‘đổi nghề’ để mãi mãi trở thành tông đồ Phê-rô, người chài lưới linh hồn.

Bạn thân mến, trong ‘nghề’ tông đồ, Phê-rô có thêm một kinh nghiệm quí giá nhờ biết làm theo lời Thầy Giê-su. Mời bạn học nghề với thánh Phê-rô để hiểu thế nào là giá trị của đức vâng phục trong khi hoạt động tông đồ. Bạn hiểu thế nào là sự trưởng thành trong đức vâng phục? Bạn có thể tham khảo mẫu gương Đức Ki-tô vâng phục Chúa Cha.

Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra ý Chúa qua việc vâng lời những vị bề trên hiện hữu của mình (cha mẹ, thầy cô, v.v…).

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha và xin ơn sống vâng phục thánh ý Chúa.

02/02 – CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN năm C – DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ nến). Lễ kính.

“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.

Lời Chúa: Lc 2, 22-40

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Suy niệm: Khi thánh cả Giu-se và Đức Ma-ri-a dâng Con vào Đền Thờ, ắt hẳn tại đó đã có đông đảo dân chúng cũng như các thầy tư tế, những thầy thông luật và cả những người Pha-ri-sêu nữa. Hẳn họ cũng nhìn thấy Hài Nhi Giê-su nhưng chỉ thấy Người giống như bao trẻ sơ sinh khác. Chỉ có hai cụ già, ông Si-mê-on và bà An-na, nhận biết Hài Nhi này chính là “Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Để nhận biết và bồng ẵm Chúa Hài Nhi, dù chỉ một lần, hai ông bà đã phải chờ đợi suốt cả một đời người đằng đẵng, một cuộc đời công chính và “sớm hôm thờ phượng Chúa” tại Đền Thờ. Thiên Chúa đến ở với con người, nhưng chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé mọn mới được diễm phúc nhận ra Ngài.

Mời Bạn: Đức Giê-su được “đem lên Đền Thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa” nhưng thực ra khi Con Chúa giáng sinh, Thiên Chúa đã đi bước trước để ‘dâng mình’ cho chúng ta. Ngài đã hạ mình thẳm sâu để ở với chúng ta, thì chúng ta cũng phải hạ mình sống đơn sơ bé mọn để có thể gặp và nhận biết Ngài. Ngày lễ dâng Chúa trong đền thờ được đặt làm “Ngày Cầu Nguyện cho Đời Sống Thánh Hiến” tức là cho các tu sĩ. Các tu sĩ qua đời sống dâng hiến của họ làm chứng cho chúng ta cũng biết dâng mình cho Chúa bằng một đời sống tương quan cá vị và thân thiết với Ngài.

Sống Lời Chúa: Trong ngày, bạn dành thời gian dành riêng cho Chúa để cầu nguyện thân tình với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết hiến dâng chính mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.