Tag Archive for: Lc

24/12 – Thứ Ba tuần 4 mùa vọng.

“Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta”.

LỜI CHÚA: Lc 1, 67-79

Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

“Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên.

Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Suy niệm: Cố thi sĩ Bàng Bá Lân trước khi trở thành Ki-tô hữu, đã diễn tả tâm tình của mình trong đêm Giáng Sinh qua mấy vần thơ:

“Tôi không phải là người công giáo,

Thiếu niềm tin, không quỳ lạy cầu kinh.

Nhưng đêm nay lòng cảm thấy lung linh,

Và xao xuyến như tín đồ xao xuyến”.

Lung linh, xao xuyến không phải vì những cảnh xa hoa tráng lệ của ngày lễ No-en, mà là vì một điều siêu bất ngờ và vượt quá mọi bất ngờ. Thiên Chúa cao sang mà làm người phàm hèn mọn! Đấng Cứu Độ đến thiết lập một triều đại công lý và hòa bình, thế nhưng, dấu chỉ để nhận ra Ngài thì thật mong manh: “một hài nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ,” Ngôi Lời Thiên Chúa nằm trong máng dành cho súc vật!

Mời Bạn: Hãy tự hỏi ‘vì ai’ mà Chúa chịu nông nỗi này: Vì ai Thiên Chúa chấp nhận bị thương tổn, bị quấy rầy, hạ mình sát đất đen? Vì ai nếu không phải vì bạn, vì chúng ta?

Sống Lời Chúa: Trong ngày mừng Chúa giáng sinh, bạn quyết sống vui vẻ với mọi người, tặng nụ cười cho tất cả những người bạn tiếp xúc để làm món quà mọn bạn dâng lên Chúa Hài Nhi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã hạ mình làm người ở với chúng con, để cho chúng con sống hạnh phúc nơi Chúa. Xin biến lòng chúng con thành chiếc nôi đón nhận Chúa, biến miệng lưỡi, bàn tay thành máng cỏ đón nhận Mình Thánh Chúa. Amen.

23/12 – Thứ Hai tuần 4 mùa vọng.

“Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả”.

LỜI CHÚA: Lc 1, 57-66

Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.

Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.

Suy niệm: Từ ngày được thấy thị kiến trong cung thánh, ông Da-ca-ri-a phải trải qua thời gian câm lặng, đúng như lời sứ thần báo trước, cho đến khi đặt tên cho con. Cũng như ngày Đức Mẹ được truyền tin, giây phút đặt tên cho con trẻ, cả thiên đàng như nín lặng, chờ đợi sự vâng phục của ông. May mắn thay, ông đã cộng tác với ơn Chúa, vượt lên trên lẽ thông thường để đặt tên cho con! “Gio-an” nghĩa là “Thiên Chúa thi ân. “Thiên Chúa thi ân” với những ai kính sợ Chúa và trọn niềm trung nghĩa với Ngài. “Thiên Chúa thi ân” với những ai khiêm cung đón nhận chương trình cứu độ của Chúa và thi hành ý muốn của Ngài. Ai nấy đều bỡ ngỡ bởi cái tên khác lạ của em bé mà cả cha và mẹ của em đều đồng lòng đặt tên. Hẳn nhiên, mấy ai biết được câu chuyện đằng sau việc đặt tên này. Mọi người lại thêm một phen kinh sợ, khi thấy người cha “miệng lưỡi lại mở ra, nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.

Mời Bạn: Có những lúc bạn không hiểu nổi ý của cha mẹ hay những người có trách nhiệm, hay đôi khi bạn chẳng hiểu thấu vài sự kiện xảy đến trong cuộc sống bạn. Có phải chỉ sau một thời gian đủ để bình tâm, chiêm nghiệm, suy xét, bạn mới thấy bàn tay quan phòng của Chúa trong từng biến cố đó, nhận ra rằng Thiên Chúa thi ân theo cách mà bạn chẳng hay?

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống “chậm,” lắng đọng tâm hồn, suy đi nghĩ lại, để đón nhận và làm theo ý Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì muôn ân phúc Chúa tuôn đổ trên con. Xin cho con vui mừng, mở rộng lòng đón chờ Chúa Giáng Sinh.

22/12 – CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG năm C.

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Lời Chúa: Lc 1, 39-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave.

Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc!

Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.

Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Suy niệm: Trước khi chiêm ngắm sự vâng phục Chúa Giê-su thực hiện nơi hang đá Bê-lem vì vâng theo ý Chúa Cha, Chúa nhật hôm nay Giáo Hội cho ta chiêm ngắm lời ‘xin vâng’ mẫu mực của Mẹ Ma-ri-a, người nữ có một không hai trong lịch sử cứu độ. Ơn cứu độ khởi đi từ sự vâng lời của một con người là Đức Ma-ri-a và của một vị Chúa-Người là Đức Giê-su. Cả hai đều vâng ý Chúa Cha trên trời. Vâng phục là để Chúa hoàn toàn hành động trên đời ta, “xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Vâng phục không phải là thái độ thụ động, nhưng là hành vi chủ động đóng góp vào chương trình của Chúa.

Mời Bạn: Có khi bạn nổi loạn vì phải đối diện với ý Chúa, vì ý Ngài lúc này làm bạn không hài lòng. Thế là bạn chẳng còn muốn nghe và làm theo. Từ đó bạn sa sút dần tư cách làm con Chúa, bạn chạy theo ảo ảnh có thể thỏa mãn trong chốc lát. Điều này thật nguy hiểm. Bạn hãy trấn tĩnh lại đi.

Sống Lời Chúa: Tìm đúng vị trí của bạn trong dòng chảy cuộc đời: ta chỉ là đầy tớ của Chúa thôi. Đầy tớ vâng lời ông chủ có chi là quá đáng. Đó là bổn phận, là sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong khi phục vụ Chúa và anh chị em con.

 

21/12 – Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

“Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”.

LỜI CHÚA: Lc 1, 39-45

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Suy niệm: Mẹ Ma-ri-a có Chúa trong lòng, Mẹ đưa Chúa đến với bà Ê-li-sa-bét trong nhà làm bà vui lây và Gio-an trong lòng bà cũng nhảy lên vì vui sướng. Như vậy Chúa là tác nhân của niềm vui; và những ai có Chúa đều được Chúa chia sẻ niềm vui thánh thiện này. Có những niềm vui riêng tư thầm kín một khi được sẻ chia, niềm vui ấy mới lan tỏa. Thực ra rất khó cất giấu niềm vui trong lòng, nỗi buồn thì có thể, bởi bản chất của niềm vui là thông chia. Mầu nhiệm Truyền Tin, Giáng Sinh chúng ta sắp cử hành mang ý nghĩa như vậy.

Mời Bạn: Ta tự hỏi làm sao để có Chúa và Chúa trở thành niềm vui cho ta? Phải học nơi Mẹ Ma-ri-a: lắng nghe, vâng phục và thực hành ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Lắng nghe mầu nhiệm Giáng Sinh Thiên Chúa muốn nói gì với ta, và rồi ta phải làm gì để mầu nhiệm ấy nên hiện thực hơn trong cuộc đời, chẳng hạn như biết tôn trọng sự sống, yêu quí cuộc sống khó nghèo theo gương Thánh Gia Na-da-rét.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con niềm vui vì được làm con Chúa, và giúp con chia sẻ ơn huệ này cho những người đau khổ cần đến Chúa.

20/12 – Thứ Sáu tuần 3 mùa vọng.

“Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”.

LỜI CHÚA: Lc 1, 26-38

Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.

Suy niệm: Đứng trước một lời mời gọi, người ta có nhiều cách trả lời: từ chối thẳng thừng như người con cả trong dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32); ậm ờ cho qua chuyện như người con thứ; thoái thác như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, như Mô-sê trong Cựu Ước; hoặc chú ý lắng nghe và đáp lại với cả tâm tình, như Đức Ma-ri-a. Và để có lời đáp trả ‘Xin vâng’ hôm nay, chúng ta liên tưởng đến một tiếng ‘Xin vâng’ khác : tiếng ‘Xin vâng’ lúc Mẹ dâng mình trong đền thánh khi còn thơ ấu; cũng như tiếng ‘Xin vâng’ khi Mẹ đứng kề bên Thập giá là âm hưởng tiếng ‘Xin vâng’ của ngày Truyền tin. Muốn thu hoạch hoa trái, phải gieo hạt giống và chăm sóc. Đức Mari-a là con người, vì thế, để có tâm tình sẵn sàng vâng theo ý Chúa, ngài đã làm đi làm lại, và thành một thói quen: xin vâng trong mọi hoàn cảnh.

Mời Bạn: Học tập mẫu gương của Đức Ma-ri-a để sẵn sàng dấn thân phục vụ cho Nước Trời trong mọi tình huống của cuộc đời bạn. Là công nhân, giáo viên, nội trợ, buôn bán, tu sĩ, thiếu nhi…  bạn vẫn có thể là dụng cụ đắc lực của Chúa để đem ơn cứu độ cho người khác. Phần bạn, bạn có thấy mình cần tập tành nhân đức nào không? Bạn hãy bắt đầu ngay từ hôm nay đi nhé!

Sống Lời Chúa: Bạn khởi sự gieo mầm một đức tính, như khiêm tốn, quảng đại, hiền lành, nhiệt thành… và tập luyện mỗi ngày, như món quà dâng lên mừng Chúa Hài Nhi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mùa Vọng sắp kết thúc, chúng con xin dâng lên Chúa món quà nhỏ là quyết tâm bắt đầu luyện tập một nhân đức giúp chúng con sống tốt đẹp hơn. Amen.

19/12 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.

“Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra”.

LỜI CHÚA: Lc 1, 5-25

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabeth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabeth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.

Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương. Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: “Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị.

Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?” Thiên Thần liền đáp: “Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng”.

Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà. Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: “Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nỗi khổ nhục tôi khỏi người đời.

Suy niệm: Cũng như đất đai phì nhiêu sinh nhiều hoa trái là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc phúc, người Do thái trong Cựu Ước quan niệm rằng con cái là hồng ân Chúa ban. Và do đó, dễ suy diễn ngược lại rằng người son sẻ là bị Chúa trừng phạt. Tâm trạng của bà Ê-li-sa-bét vui mừng, tạ ơn khi mang thai trong lúc tuổi già cho thấy một phản ứng phát xuất từ niềm tin đích thực: Con cái là hồng ân Chúa ban, là hạnh phúc và vinh dự của cha mẹ. Và như thế, trong chương trình của Chúa, con cái có một vai trò, một sứ mạng mà cha mẹ chính là những người đầu tiên có trách nhiệm hướng dẫn và giáo dục con cái nhận ra và đảm nhận sứ mạng đó.

Mời Bạn: Người thời nay bị nhiễm não trạng của nền văn hoá sự chết, coi mạng người như thể chỉ có giá trị kinh tế: có thêm một đứa con là thêm một miệng ăn, và suy ra, bớt đi chén cơm của những người khác. Từ đó tiếp tục suy diễn: gia đình bớt đi hạnh phúc, xã hội bớt đi phồn vinh! Mỉa mai thay! Và phải chăng Ki-tô hữu chúng ta cũng vô tình nhiễm phải não trạng này khi chúng ta coi việc sinh con như một ‘tai nạn’ (khi chúng ta gọi thời kỳ người nữ không thể sinh con là thời kỳ ‘an toàn’)?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho những người mẹ đang mang thai, biết tạ ơn Thiên Chúa và quí trọng, bảo vệ mầm sống mình đang cưu mang.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con dù ở trong bậc sống nào, cũng biết khước từ những lạc thú ích kỷ, biết tôn trọng và phục vụ nhau bằng một tình yêu thuần khiết, để cùng nhau xây dựng nền văn hoá tình thương.

15/12 – CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C.

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”

Lời Chúa: Lc 3, 10-18

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”.

Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.

Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?”

Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!”

Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Suy niệm: Lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả tái hiện lời ngôn sứ chuẩn bị cho thời đại Đấng Cứu Thế: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3,5). Tin tưởng vào lời Gio-an Tẩy Giả loan báo Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện, nhiều người tìm đến với Gio-an để hỏi xem, họ nên làm gì để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ Đấng Thiên Sai. Gio-an không đưa ra những nguyên tắc xa vời, cũng chẳng đòi hỏi những gì được cho là quá sức; nhưng trái lại, những gì ‘đang quá’ thì cần phải quân bình trở lại: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy; đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định cho các anh; và hãy bằng lòng với đồng lương của mình”.

Mời Bạn: Thích ứng với thời kỳ mới luôn là cần thiết, vì ai không thích ứng, sẽ bị tụt hậu hoặc bị loại ra ngoài. Chẳng hạn, thời ông Nô-ê, lụt Hồng Thủy bất thần ập tới làm cho người ta trở tay không kịp. Ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy, đó là Ngày Chúa đến. Bạn biết phải làm gì chưa?

Sống Lời Chúa: Quyết hoán cải để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa chứ không chỉ dọn mình để mừng Lễ Giáng Sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đọc ra dấu chỉ của thời đại và sẵn sàng đáp lại khi đến “giờ của Chúa”, để con khỏi bất ngờ trong ngày Chúa đến viếng thăm. Amen.

 

01/12 – CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C.

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Lời Chúa: Lc 21, 25-28. 34-36

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.

Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất.

Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Suy niệm: Ngay ngày đầu tiên của năm phụng vụ, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hướng về ngày cánh chung, lúc cánh cửa thế giới này đóng lại để mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới vĩnh cửu. Thời điểm ‘giao thừa’ ấy thật nhiều thách đố. Nó chứa đầy đe doạ – những thiên tai, loạn lạc – làm người ta thất đảm, lung lay niềm tin. Đồng thời, nó cũng đầy những cám dỗ hưởng thụ khiến người ta mê đắm, không còn sẵn sàng cho cuộc vượt qua nữa. Chúa Giê-su dạy chúng ta bí quyết để “đứng vững” trong những ngày ấy, đó là “tỉnh thức và cầu nguyện”.

Mời Bạn: Lời Chúa cho biết có hai điều làm bạn không thể sẵn sàng cho ngày của Chúa: 1. lối sống hưởng thụ, tìm cách thoả mãn các đam mê lạc thú cách vô độ và ích kỷ khiến cho “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa;” 2. tính thực dụng do mải mê “lo lắng sự đời,” quên mất điều duy nhất cần thiết là đạt tới ơn cứu độ. Đối lại, xin bạn nhớ rằng “tỉnh thức và cầu nguyện” không phải là giải pháp chỉ dùng khi đã ‘hết thuốc chữa’ mà là việc bạn phải làm trước tiênluôn luôn trong suốt cuộc đời.

Chia sẻ: Năm Toàn Xá 2025 sắp bắt đầu, bạn làm gì để thăng tiến việc cầu nguyện và sống Lời Chúa trong gia đình/cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Ghi câu sau đây tại nơi dễ thấy nhất trong nhà của bạn: “Tôi đã cầu nguyện hôm nay chưa?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết say mê cầu nguyện như Chúa. Xin giúp con cảm nghiệm được cầu nguyện cần thiết cho con như hơi thở cho cuộc sống, như tình yêu cho con được lớn lên trong Chúa.

29/11 – Thứ Sáu tuần 34 thường niên.

“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.

Lời Chúa: Lc 21, 29-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: “Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến.

Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.

Suy niệm: Có quá nhiều điểm khác nhau khi so sánh giữa hai vế: Một bên là trước hiện tượng cây vả mọc ra những mầm xanh mát mắt, người ta có thể tính được chính xác tháng ngày bao lâu nữa mùa hè sẽ tới. Còn bên kia là “những điều ấy” – mà toàn là những điều khủng khiếp – có xảy ra báo hiệu Triều Đại của Thiên Chúa thì chẳng ai nói chắc được sẽ đến khi nào và ở đâu. Trong phép so sánh ấy, duy có một điều giống nhau, đó là Triều Đại của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến, chắc chắn đúng y như qui luật vận hành của thời tiết. Nếu như dấu hiệu xuất hiện của một đoàn quân cứu viện là điều làm cho quân địch phải hoảng sợ, thì ngược lại một dấu hiệu, dù nhỏ nhoi, tiên báo ngày cứu độ đã gần đến, lại là dấu hiệu hy vọng mang lại niềm vui tràn bờ cho những ai phục vụ cho Nước Chúa.

Mời Bạn: Sống trong thời đại của hy vọng, người Ki-tô hữu luôn mang tinh thần lạc quan của người có tầm nhìn chiến lược: Đức Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang đón chúng ta cùng hưởng hạnh phúc trong Nước của Ngài.

Chia sẻ: Chọn một sự kiện nhỏ để tập nhận định giá trị của nó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Kiên tâm làm việc thiện dù bạn không thấy ngay kết quả tốt lành của những việc đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Vua Vũ Trụ, chúng con tin rằng Chúa đã chiến thắng thế gian, xin cho chúng con đang phải sống giữa cảnh thế sự thăng trầm luôn được bền lòng trông cậy. Amen.