Tag Archive for: Mc

14/01 – Thứ Ba tuần 1 thường niên.

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

LỜI CHÚA: Mc 1, 21-28

(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.

Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”.

Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Suy niệm: Các kinh sư là những người thông thạo lề luật; họ giải thích để người ta hiểu và giữ luật cho chính xác. Họ có thể trích dẫn các khoản luật hay cách diễn giải luật của các bậc thầy chứ không dám đưa ra phán đoán cá nhân của mình. Trong khi đó, khi giảng dạy, Chúa Giê-su trình bày giáo huấn riêng của Ngài. Ngài hành xử như Đấng có quyền trên cả lề luật khi đề ra những gì phải làm, phải tránh cách rành mạch và triệt để. Quả thật, Đức Giê-su luôn ý thức về uy quyền của Ngài khi giảng dạy, không bao giờ mập mờ hay tỏ ra thỏa hiệp khoan nhượng trong các giáo huấn của mình. Ngài xưng mình là “đuờng, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), là Đấng “đến không phải để hủy bỏ nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17).

Mời Bạn: Trước những cảnh báo về “lạm dụng quyền bính” trong Hội Thánh, chúng ta đuợc mời gọi để hiểu, thực thi và tuân thủ quyền bính hợp pháp trong Hội Thánh đúng  theo tinh thần Tin Mừng. Đối với Chúa Giê-su, quyền bính không phải là để thống trị nhưng là để phục vụ, để làm cho tình yêu đuợc bảo vệ và tăng trưởng. Quyền bính tồn tại để cho đàn chiên của Chúa đuợc “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sống Lời Chúa: Tôi tôn trọng những vị thay quyền Chúa coi sóc đoàn chiên và sẵn sàng vâng phục với lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành. Xin cho vâng phục với tinh thần siêu nhiên những vị mục tử thay quyền Chúa chăm sóc đoàn chiên. Xin ban cho con ơn sức mạnh để con can đảm nói ‘không’ với những gì trái với giới răn Chúa; và nói ‘có’ với những gì làm đẹp lòng Chúa. Amen.

13/01 – Thứ Hai tuần 1 thường niên.

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.

Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, ĐGH Bê-nê-đi-tô XVI kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”

Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới đó bạn!

Sống Lời Chúa: Dành vài phút cuối ngày để gặp gỡ Chúa, xét mình và thực hành sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

08/01 – Thứ Tư sau lễ Hiển Linh.

“Họ thấy Người đi trên mặt biển”.

LỜI CHÚA: Mc 6, 45-52

(Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng.

Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện.

Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất.

Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ”. Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

Suy niệm: Thánh Mác-cô không có ý nói đến vị trí địa lý của chiếc thuyền cho bằng khoảng cách giữa các môn đệ với bờ, nơi Đức Giê-su đang đứng. Ngài sai họ ra khơi, đến chỗ nước sâu để bắt cá, nhưng không có Ngài cùng đi. Ngài ở xa họ. Hốt hoảng khi sóng gió ập đến, thắc mắc khi không thấy Chúa là tâm trạng của các tông đồ trong những chuyến ra khơi như thế. Tông đồ mọi thời đại đều cảm nghiệm nỗi cô đơn này. Thiên Chúa dẫu xa nhưng lại rất gần. Ngài thấy trước những bất trắc đe dọa con thuyền Giáo Hội, thấy những cơn sóng hung dữ của thế lực tối tăm đang gầm thét hòng nhận chìm những kẻ Ngài sai đi. Ngài đến bên họ kịp thời, bày tỏ quyền năng để nâng đỡ đức tin, nhẹ nhàng loan báo Tin Mừng “chính Thầy đây, đừng sợ”.

Mời Bạn: Nhìn xuống sóng gió, các tông đồ hốt hoảng. Nhìn lên Đức Giê-su, các ông tìm được bình an. Bạn rút được bài học quí giá nào từ những sự kiện đó để áp dụng vào đời tông đồ của bạn? Sóng gió trong đời tông đồ vẫn có, vậy nhờ đâu bạn vững lòng tiếp tục ra khơi?

Sống Lời Chúa: Bạn lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho những người làm việc truyền giáo đang gặp thử thách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn tận hiến cho Chúa cuộc đời con. Nhưng chỉ xin Chúa một điều, là hãy cho tay con nắm được tay Chúa những lúc con gặp gian nan, thử thách. Amen.

 

07/01 – Thứ Ba sau lễ Hiển Linh.

“Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri”.

LỜI CHÚA: Mc 6, 34-44

Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.

Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”.

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”.

Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”.

Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất cả đều ăn no.

Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. Mà số người ăn là năm ngàn người.

Suy niệm: Chính vì “chạnh lòng thương dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt” mà Đức Giê-su đã dạy dỗ họ và còn hoá “năm chiếc bánh và hai con cá” ra nhiều cho đám đông hơn 5.000 người ăn no nê, lại còn thu được “12 thúng đầy những mẩu bánh cùng với cá còn dư”. Tình yêu Chúa thật quảng đại vượt xa những gì con người có thể tưởng nghĩ ra. Dấu lạ ấy còn báo trước hành động của tình yêu còn lớn lao hơn gấp bội phần mà Đức Giê-su sẽ thực hiện sau đó trong bữa Tiệc Ly qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể và truyền cho các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Mời Bạn: Đức Giê-su đã hiến tế thân mình trên thập giá để đền tội chúng ta; Ngài còn lập bí tích Thánh Thể để hiến trao cũng chính Thân mình đó để làm lương thực thiêng liêng cho chúng ta. Có thể nói Thiên Chúa dù quyền năng vô cùng cũng không có cách nào khác tuyệt hảo hơn để thể hiện tình yêu vô biên của Ngài cho chúng ta. Tình yêu đó vượt mọi không gian và thời gian để tiếp tục trao ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể mà các linh mục cử hành hằng ngày trên khắp cùng thế giới.

Sống Lời Chúa: Viếng Mình Thánh Chúa nơi nhà thờ, hoặc dâng một lời nguyện tắt bày tỏ tâm tình yêu mến Chúa hiện diện nơi bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng Thánh Thể Chúa. Xin giúp chúng con chuẩn bị lòng trí cho thật xứng đáng mỗi khi rước Chúa vào lòng. Amen.

10/11 – CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN năm B.

“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

Lời Chúa: Mc 12, 38-44

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu.

Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết.

Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Suy niệm: Thi hào Tagore (Ấn Độ) viết một bài thơ kể về một người ăn xin gặp Đức Vua đi vi hành. Anh mừng thầm vì phen này chắc sẽ được Đức Vua ban tặng. Nào ngờ, chính Đức Vua lại chìa tay xin anh bố thí. Bối rối, ngỡ ngàng, người hành khất lấy ra một hạt thóc từ trong cái bị của mình và dâng cho Đức Vua. Buổi tối về đến nhà anh đổ bị thóc ra thì thấy một hạt vàng lấp lánh nằm giữa những hạt thóc… Anh đã khóc vì hối tiếc: “Phải chi lúc đó tôi dâng tất cả bị thóc này cho Đức Vua”!… Bà góa nghèo trong Phúc Âm chỉ dâng cúng hai đồng xu nhỏ cho đền thờ, nhưng bà đã không phải hối tiếc. Chúa đã nhìn thấy bà, Ngài không đánh giá theo số lượng nhưng ở tấm lòng. Chúa đã ca ngợi bà là người dâng cúng nhiều nhất vì bà đã dâng tất cả.

Mời Bạn nhìn lại sự dâng hiến của bạn cho Chúa, như thời giờ, tiền bạc, sức lực, những sự dâng cúng của bạn cho các công cuộc bác ái từ thiện… Sự đóng góp của bạn có phát xuất từ tấm lòng đối với Chúa không, hay chỉ vì tiếng khen, hay cũng chỉ bởi tiền dư bạc thừa? Mỗi ngày hãy nhìn xem Chúa đã yêu bạn thế nào, để bạn biết quảng đại đáp trả bằng sự dâng hiến tất cả cuộc đời cho Ngài, với tất cả tấm lòng.

Sống Lời Chúa: Dâng những hy sinh nhỏ bé, những việc làm tầm thường, hay thời giờ, tiền của để phục vụ Chúa với tất cả tấm lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin dâng cho Chúa con người của con, trí nhớ, trí hiểu, tự do, mọi sự Chúa ban cho con, con xin dâng lại cho Chúa, chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, thế là đủ cho con rồi.

03/11 – CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN năm B.

“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”.

Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Suy niệm: Trong cuốn “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” (nxb Tôn Giáo, 2008), cha Đỗ Quang Chính ghi lại bức thư của linh mục thừa sai Gaspar d’Amaral viết ngày 31/12/1632, trong đó cho biết “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (tr. 61). Thật tuyệt vời! Đạo Chúa dạy đúng là đạo yêu nhau. Chúa Giê-su cho biết mọi giới răn của Ngài được tóm lại trong giới răn “mến Chúa, yêu người.” Gần 400 năm trước đây, các Ki-tô hữu cha ông chúng ta, đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương của Chúa và trở thành chứng nhân mạnh mẽ đầy thuyết phục trước anh em lương dân.

Mời Bạn: Tiếc thay, 400 năm sau, không còn nghe thấy “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” nữa. Vì sao và từ bao giờ danh xưng ấy bị mai một vậy? Phải chăng vì các “bổn đạo” không còn thực thi giới răn mến Chúa yêu người nữa? Là hậu duệ của các bậc tiền nhân đáng kính đó, chúng ta phải thành tâm kiểm điểm mình đã sống đạo yêu nhau như thế nào: Gia đình, cộng đoàn chúng ta đã loại bỏ hết mọi ghen ghét, tỵ hiềm, xúc phạm lẫn nhau… để chân thành cảm thông và quan tâm phục vụ nhau chưa? Chúng ta đã biết nhận ra và đón nhận những người bé nhỏ nghèo hèn quanh ta đang cần sự cảm thông chia sẻ chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một quyết tâm làm một việc phục vụ, dù âm thầm nhỏ bé, cho một người anh em bé mọn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra Chúa nơi những anh chị em mà con gặp gỡ mỗi ngày, và cho con biết yêu thương họ như yêu mến Chúa.

27/10 – CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN năm B.

“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Lời Chúa: Mc 10, 46-52

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu.

Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.

Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Suy niệm: Đối với nhiều người, anh mù Ba-ti-mê chẳng có một chút giá trị nào, thậm chí còn là chướng ngại phải dẹp bỏ đi. Có thể họ nghĩ mình đang bảo vệ Đức Giê-su khi “quát nạt bảo anh ta im đi”. Nhưng Chúa Giê-su không loại trừ ai. Ngài đón nhận tất cả mọi người đến với Ngài, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi,… những người bị loại trừ. Ngài cho người gọi anh mù đến với Chúa. Lời kêu gọi của Chúa khiến anh được phục hồi phẩm giá. Người chung quanh liền đổi giọng, nói với anh một cách ân cần tôn trọng: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy.” Không phải Đức Giê-su thương hại anh ta. Đúng hơn Ngài thương xót vì phẩm giá của anh bị chà đạp. Ngài tôn trọng phẩm giá là con người của anh. Đó là lối sống của Đức Giê-su và cũng phải là lối sống của mọi Ki-tô hữu trong một giáo hội Công giáo mở đón tất cả mọi người.

Mời Bạn: Trong một thế giới thực dụng, những người không đem lại giá trị kinh tế thường là người yếu thế, dễ bị tổn thương, và bị loại trừ. Người môn đệ Chúa Ki-tô sống theo chuẩn mực của Ngài luôn tôn trọng mọi người, bảo vệ và phục hồi phẩm giá của những người bé mọn, yếu đuối nhất và bị bỏ rơi nhất.

Sống Lời Chúa: Thể hiện sự tôn trọng phẩm giá con người qua lời nói thể hiện sự hoà nhã, tôn trọng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không loại trừ ai, nhưng đến với mọi người và mời gọi mọi người đến với Chúa. Xin cho chúng con là Ki-tô hữu cũng luôn mở rộng đến với tha nhân để cùng họ đến với Chúa. Amen.

20/10 – CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN năm B.

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Lời Chúa: Mc 10, 35-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”.

Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan.

Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế.

Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.

Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân.

Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều mình đã học được nơi Chúa.

Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn, chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu tòan công tác của người được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền hành hay tham quyền cố vị hay không?

Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, nhỏ bé để làm sáng danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không đòi một quyền lợi nào.

13/10 – CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN năm B.

“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Lời Chúa: Mc 10, 17-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”.

Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

Suy niệm: “Đi đạo” Công Giáo hệ tại điều gì? Anh em lương dân nhìn vào các tín hữu Công Giáo đặt ra câu hỏi đó; nhưng chính mỗi người tín hữu cũng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng “đi đạo” không hệ tại giữ các điều răn giới luật, làm lành lánh dữ (anh em lương dân cũng giữ những điều ấy); cũng không hệ tại từ bỏ tất cả những gì vốn rất thiết thân với cuộc sống (có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để theo đuổi một lý tưởng); mà “đi đạo” thiết yếu là “đi theo Chúa,” đi theo Đấng là “TẤT CẢ” của đời mình. Đi đạo chính là thiết lập mối tương quan gắn bó mật thiết giữa ta với Chúa. Chỉ có Ngài là trên hết và trước hết mọi sự. Nào chúng ta chẳng đọc: “Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” đó sao?

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cứ lầm tưởng “đi đạo” là để được ơn này, ơn kia, kể cả để được hưởng phúc thiên đàng. Chúng ta đừng để mình bị chi phối bởi quan niệm “đi đạo” để được lợi lộc vật chất đời này đời sau.

Chia sẻ: Xem lại mỗi khi cầu nguyện, ta thường xin gì với Chúa? Đúng hơn, đừng xin điều này điều nọ, ơn này ơn kia…, mà là xin được chính Chúa.

Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh  Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Chúa luôn là Tất Cả của đời con, Chúa luôn là lời đáp trả đầu tiên và cuối cùng của con trong mọi vấn đề, về mọi sự việc, và với mọi người. Amen.