01/04 – Thứ Ba tuần 4 Mùa Chay.

“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.

Lời Chúa: Ga 5, 1-3a. 5-16

Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm.

Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.

Suy niệm: Kết quả khai quật khảo cổ cho biết rằng quả thật ở phía bắc thành Giê-ru-sa-lem gần cửa Chiên, có hồ Bết-da-tha với năm hành lang, đúng như Phúc Âm Gio-an mô tả. Nơi đây, thỉnh thoảng có hiện tượng nước hồ phun trào lên, được cho rằng do thiên thần Chúa xuống khuấy động khiến nước có thể chữa lành bệnh tật. Vì thế, những người đau ốm đủ mọi chứng bệnh nằm la liệt tại năm hành lang này chờ xuống nước để được khỏi bệnh. Người bệnh này cũng có mặt giữa đám đông bệnh nhân ấy; nhưng dường như anh ta đã mất mọi hy vọng được lành bệnh sau 38 năm trường đằng đẵng nằm ở đây. Chúa hỏi anh có muốn khỏi bệnh không, anh chỉ trả lời cách hờ hững: Không có ai giúp đem anh xuống hồ. Dù vậy, Chúa vẫn khơi dậy nơi anh niềm hy vọng. Chúa bảo  anh: “Trỗi dậy, vác chõng mà đi”, Ngài còn căn dặn để anh vững mạnh trong cuộc sống mới: “Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước”.

Bạn thân mến: Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, lắm khi chúng ta nản lòng trước những tính mê nết xấu đã trở thành thâm căn cố đế trong lòng chúng ta. Bạn nhớ rằng Chúa vẫn yêu thương chúng ta và còn yêu thương nhiều hơn nữa khi chúng ta lún sâu trong tội lỗi. Mời bạn đưa tay cho Chúa nắm lấy và kéo bạn ra khỏi vũng lầy tội lỗi đó.

Sống Lời Chúa: Xin Chúa ban ơn giúp bạn chừa một tội mà bạn hay lỗi phạm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa “không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét”. Xin thương xót con là kẻ tội lỗi và ban ơn giúp sức cho con chừa bỏ tội lỗi để được hưởng ơn Chúa cứu độ. Amen.

31/03 – Thứ Hai tuần 4 Mùa Chay.

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Lời Chúa: Ga 4, 43-54

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”.

Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin.

Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

Suy niệm: Câu chuyện viên sĩ quan trong Tin Mừng hôm nay thật gần gũi với ta trong cuộc sống. Ai từng làm cha làm mẹ lại chẳng có lần lo lắng tìm thầy chạy thuốc khi con cái đau ốm, nhất là khi đau bệnh nặng. Do đó, ta hình dung niềm vui lớn lao của ông cũng như của cả gia đình khi con mình được Đức Giê-su chữa lành từ xa một cách kỳ diệu. Thế nhưng, cậu con trai được chữa lành ấy lớn lên, lập gia đình, có sự nghiệp, con cái, và rồi một ngày kia sức tàn cũng sẽ qua đời. Khi phục hồi sự sống thể lý cho cậu con trai viên sĩ quan, Đức Giê-su cho thấy nơi Ngài có tràn đầy sự sống, sự sống hôm nay và đặc biệt sự sống muôn đời. Đó là điều bảo đảm cho sự phục sinh của mỗi người chúng ta. Thế nên, “ông và cả nhà ông đều tin Ngài”.

Mời Bạn: Bạn chăm lo cho cuộc sống hôm nay: công ăn việc làm, nhà cửa, tiện nghi, ngoại hình, sức khỏe… Nhưng đừng quên rồi mọi sự cuộc đời này sẽ qua đi, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên trong mọi sinh hoạt đời thường, đó là giá trị trường tồn của đời bạn. Muốn vậy,  hãy sống mối tương quan gắn bó với Chúa, quảng đại bao dung với người chung quanh, cũng như tìm được sự an bình trong tâm hồn.

Sống Lời Chúa: Khởi đầu ngày sống, tôi dâng ngày mới cho Chúa, xin Ngài thánh hóa, cũng như xin Ngài giúp cho mình luôn hướng về cùng đích tối hậu của đời mình trong suốt ngày mới này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi chữa lành bệnh tật thể xác, Chúa kêu gọi con tin vào Chúa để được sự sống đời đời. Xin cho con sống trong niềm cậy trông được sống đời đời với Chúa.

30/03 – CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY Năm C.

“Em con đã chết nay sống lại”.

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con.

Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó.

Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà.

Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Suy niệm: Mãi đến khi tuột dốc xuống dưới đáy cuộc đời trác táng, thấy mình bị đánh giá không bằng một con heo, thì người con bỏ nhà đi hoang mới nghĩ đến Cha để trở về, chỉ xin làm đầy tớ cho Cha, mong giải quyết cái bụng cho khỏi đói. Nhưng anh không ngờ TÌNH CHA lại quá bao la! Cha không giận dữ vì sự hoang đàng, bất hiếu và ích kỷ của anh, trái lại Ông đã đứng sẵn chờ đợi anh tự bao giờ. Anh không kịp nói hết lời xin lỗi thì Cha đã âu yếm ôm chầm lấy anh, hôn lấy hôn để, và ân cần làm tất cả những gì có thể để phục hồi chức vị quý tử cho anh. Anh vui sướng và hạnh phúc đến ngỡ ngàng. Chính lúc cảm nghiệm được tình Cha bao dung vượt quá tính toán hẹp hòi ích kỷ của anh, anh mới thực sự trở về với Cha.

Bạn ơi, ngay cả trong cơn khốn cùng và bất hạnh khi đời mình đi vào ngõ cụt của tội lỗi, thì cánh cửa nhà Cha vẫn mở rộng miễn là bạn tin vào tình Cha bao dung và trở về với Ngài. Phải chăng ta đã tính toán hẹp hòi ích kỷ khi lìa bỏ Cha đi hoang trong tội lỗi rồi lại vẫn tiếp tục cứng lòng không chịu hoán cải trở về? Lời Chúa nhắc nhở ta đừng để đến lúc cùng đường nhưng cứ đánh liều mau mắn trở về làm hoà trong bí tích hoà giải để cảm nghiệm được tình Chúa bao dung và được ơn hoán cải thực sự.

Chia sẻ: Có khi nào bạn cảm nghiệm được tình Chúa bao dung khi đến với bí tích hoà giải chưa?

Sống Lời Chúa: Ý thức sống hoán cải để luôn cảm nghiệm tình thương Chúa.

Cầu nguyện: Chúa ơi, thành công và thất bại của con chỉ có ý nghĩa khi con biết cần đến tình Chúa yêu thương.

29/03 – Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay.

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác:

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”.

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.

Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Suy niệm: Lên đền thờ để cầu nguyện, đó quả là một việc tốt, không có gì phải phàn nàn. Thế nhưng vấn đề là ở cách cầu nguyện của họ. Người thứ nhất, thuộc nhóm Pha-ri-sêu, các việc ông làm thật là tuyệt. Ông còn làm quá cả những điều luật buộc. Nội dung lời cầu có vẻ giống như một bản báo cáo thành tích; nhưng thiết tưởng, như thế chẳng có gì là sai. Ông chỉ có thiếu một tấm lòng. Thiếu tấm lòng với Thiên Chúa: xem ra Ngài mắc nợ ông vì những điều ông “làm cho” Chúa. Và cũng thiếu cả tấm lòng với đồng loại: ông tự xếp hạng mình trổi vượt chứ “không như tên thu thuế kia”. Còn người thứ hai, một người làm nghề thu thuế, ông không có gì để báo cáo ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là ông là người mắc nợ: mắc nợ tha nhân – dĩ nhiên, vì ông làm nghề thu thuế cơ mà – và mắc nợ cả Thiên Chúa: thì chính ông cầu nguyện đó: “Xin thương xót con vì con là kẻ có tội”. Chúa Giê-su không hề định nghĩa cầu nguyện là gì, nhưng qua cách đánh giá của Chúa chúng ta hiểu rằng “như thế mới là cầu nguyện”.

Mời Bạn: Bạn có cảm thấy mình có nhu cầu phải cầu nguyện, nghĩa là cảm thấy mình cần xin Chúa thương xót mình, cần nối lại mối dây thân tình với Chúa?

Chia sẻ: Xin bạn chia sẻ một kinh nghiệm cho thấy việc cầu nguyện giúp bạn gặp gỡ Chúa và tha nhân.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy dành ít phút, trước Thánh Thể càng tốt, để cầu nguyện với những tâm tình của người thu thuế kia.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi.”

28/03 – Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay.

“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người”.

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”

Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Còn đây là giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Suy niệm: “Tình yêu Thiên Chúa không dành cho những ai xứng đáng được thương yêu, nhưng tình yêu ấy tạo ra những người xứng đáng để được yêu thương” (M. Luther). Chúa đòi hỏi ta yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực mình, một đòi hỏi không dễ dàng chút nào, bởi vì đòi ta đến bốn chữ “hết,” nghĩa là không được nửa vời, qua loa. Để vâng lời Ngài, ta phải vận dụng trí hiểu để biết Ngài là ai, nhất là, là ai đối với mình, đã làm gì cho mình từ thuở xa lắc xa lơ, để rồi đi vào mối tương quan với Đấng là số một trong đời ta. Từ cảm nhận hiểu biết ấy, trái tim ta lay động, gắn bó thân thiết với Ngài trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Khi ấy, ta mới nhận ra yêu mến là điều răn đứng đầu, và mọi sự ta làm mới được thúc đẩy bởi lòng yêu mến.

Mời Bạn: Đứng trước đại dương bao la, bạn thấy bờ, không nhìn ra bến, nhưng bạn biết phải có một bờ bến bên kia đại dương. Cũng vậy, hôm nay bạn nhận ra từ đầu Chúa đã yêu thương bạn như thế nào, bạn cũng tin chắc tình yêu ấy sẽ đưa bạn đến bến bờ nào. Trên trần thế này, bạn luôn sống đức trông cậy, hy vọng vào một Thiên Chúa yêu thương và rốt cuộc, đưa dẫn bạn đến hạnh phúc muôn đời với Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi đáp lại mệnh lệnh yêu thương của Chúa bằng cách dâng ngày mới cho Ngài khi thức dậy, xin Ngài giúp mình luôn tìm cách đem lại nụ cười cho Ngài ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã bày tỏ tình yêu Chúa dành cho con. Xin cho con yêu mến Chúa với trọn con tim, cả con người mình. Amen.

27/03 – Thứ Năm tuần 3 mùa Chay.

“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.

Lời Chúa: Lc 11, 14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:

“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

Suy niệm: Dân Do Thái được Thiên Chúa ưu ái chọn là dân riêng, ban cho lề luật để họ sống giao ước với Ngài. Thế nhưng, họ nhiều lần vi phạm giao ước ấy. Bước vào thời Tân Ước, Thiên Chúa lại ban cho họ chính Con Một là Chúa Giê-su, Đấng đã làm bao phép lạ kỳ diệu, mặc khải bao điều bí nhiệm của Thiên Chúa. Thế nhưng, họ vẫn không tin, từ chối vị Thiên Chúa–làm người. Nhìn vào Dân Chúa ngày xưa, ta thấy mình cũng có nhiều nét giống họ. Chúng ta đang đi theo Chúa, mang danh hiệu là Ki-tô hữu. Nhưng lắm khi chúng ta đối nghịch với Chúa qua cung cách nghĩ suy, nói năng, hành động. Có thể hằng ngày ta vẫn tham dự Thánh lễ, đọc kinh, giữ luật, nhưng đời sống ta lại chưa làm dậy chút nào chất men Tin Mừng, chẳng thể hiện chút gì tình bác ái với tha nhân: vẫn cãi vã, tham sân si, ăn thua đủ, gian dối, thậm chí gạt Chúa qua một bên khi đụng chạm đến quyền lợi mình. Chúng ta theo Chúa, nhưng có lẽ chỉ theo xa xa, chưa quyết liệt, chẳng triệt để nhiệt tình theo Ngài.

Mời Bạn xem thử đời sống của mình cho thấy bạn đang về phe nào? Chúa hay là ma quỷ, bản thân mình hay tìm cách đẹp lòng Chúa như người con thảo?

Sống Lời Chúa: Dám sống hết mình với Tin Mừng Nước Trời, cho dù chịu nhiều thiệt thòi, mất mát.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, là môn đệ Chúa, nhưng chúng con chưa sống theo Lời Chúa dạy, chọn mình hơn là chọn Chúa trong chọn lựa hằng ngày. Xin cho chúng con, trong mùa Chay thánh này cũng như suốt cuộc đời, dám quyết liệt, triệt để tiến lại gần Chúa, mạnh mẽ sống niềm tin của mình trong đời sống hằng ngày.  Amen.

26/03 – Thứ Tư tuần 3 Mùa Chay.

“Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.

Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Suy niệm: Trong thời Cựu Ước, dân Do Thái xem Lề Luật Mô-sê như kim chỉ nam hướng dẫn đời sống đạo đức. Tuy nhiên, nhiều người giữ luật một cách hình thức mà quên đi tinh thần cốt lõi là yêu thương và phục vụ. Chúa Giê-su đến không phải để phá bỏ luật, nhưng để hoàn thiện bằng cách đặt tình yêu làm nền tảng và đỉnh cao của lề luật: tình yêu làm cho luật sống động và có ý nghĩa. Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta sống đạo không chỉ bằng việc thực hành các nghi thức, các việc đạo đức cách máy móc, mà còn bằng một trái tim yêu mến chân thành. Người nhấn mạnh rằng: “Ai tuân hành và dạy làm như thế, sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (c. 19). Chúng ta trung thành với giáo huấn của Người, không chỉ bằng cách giữ luật lệ, nhưng còn với tinh thần công chính, yêu thương và phục vụ tha nhân.

Mời Bạn: Chúa nhắc nhở bạn luôn biết sống cho tha nhân ngang qua việc tuân giữ những gì Người đã thiết định. Các giá trị Tin Mừng chỉ phát huy hiệu quả khi được thể hiện trong tinh thần bác ái của những người có tên là Ki-tô hữu. Bạn làm gì để thể hiện mình thuộc về giao ước mới?

Sống Lời Chúa: “Đạo của những người yêu nhau” chính là danh hiệu mà người Việt nam xưa đặt cho các cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên quê hương mình. Hãy tâm niệm điều đó, để thể hiện đúng bản chất của đạo Công giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống theo Lời Chúa bằng tình yêu và lòng chân thành. Xin cho chúng con trở thành chứng nhân của Tin Mừng qua lối sống đậm chất yêu thương mỗi ngày. Amen.

25/03 – Thứ Ba tuần 3 Mùa Chay – Lễ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng.

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.

Suy niệm: Quan niệm đông phương nhìn vũ trụ nhân sinh theo nguyên lý tam tài: phải có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới bảo đảm được sự thành đạt trong cuộc sống. Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa cũng thế, Ngài chỉ sai Con Một Ngài đến khi cả ba yếu tố đó đều hội đủ: – “thiên thời”: “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Ga 4,4); – “địa lợi”: trong dòng tộc Đa-vít, tại miền đất mà Chúa đã ban và trong lịch sử của dân riêng Ngài; và – “nhân hoà”: chỉ khi có lời thưa của Đức Ma-ri-a : “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Ngài thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” “Thiên thời, địa lợi” là do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Còn yếu tố “nhân hoà” Chúa dành cho con người định đoạt.

Mời Bạn: Đặt biến cố truyền tin vào trong từng giây phút sống của mình, chắc chắn không phải là một sứ thần Chúa sẽ đến hỏi ý chúng ta. Thay vào đó, có thể là một người thân, một người bạn hữu, là một trong những người mà ta thường gặp hằng ngày, có khi là một người cơ nhỡ, khổ đau mà tình cờ chúng ta tiếp xúc. Phải có yếu tố “nhân hoà” của bạn thì Chúa mới có thể qua bạn mà đến với người khác đấy. Liệu bạn có thể thưa vâng như Mẹ, để ơn huệ và tình yêu Chúa lan truyền cho đời sống không?

Chia sẻ : Những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay là phần Chúa; yếu tố “nhân hoà”, phần của bạn, bạn đã có chưa?

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ, bạn dành ít là 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện riêng với Chúa, và tập thưa vâng với Ngài.

Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng” hoặc đọc kinh Truyền Tin vào giờ trưa.

24/03 – Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay.

“Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

Lời Chúa: Lc 4, 24-30

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

Suy niệm: Sau khi tắm bảy lần ở sông Gio-đan, tướng Na-a-man được khỏi bệnh phong hủi, một trong các chứng nan y thời ấy. Thế nhưng, trước đó vị tướng này đã chê dòng sông Gio-đan nước không sạch, sông không lớn bằng các con sông ở Sy-ri, quê ông. Cái gì đã khiến dòng sông tầm thường kia đã trở thành dòng sông đem lại sự sống nếu không phải là lời của vị ngôn sứ, đại diện cho Chúa. Trong thời xuất hành chỉ nhờ vâng lệnh Chúa, cây gậy bình thường của ông Mô-sê gõ vào tảng đá lại có phép làm cho mạch nước vọt ra, giúp dân Ít-ra-en khỏi chết khát trong sa mạc. Cây gậy thô thiển kia, dòng sông Gio-đan tầm thường nọ lại chứa đựng sự sống, bởi vì có sự can thiệp của quyền năng Thiên Chúa.

Mời Bạn: Ngày nay cũng có bao điều nấp dưới dáng vẻ bình thường, không có gì hấp dẫn, nhưng lại chứa đựng cả một kho tàng quý giá, đó là Lời Chúa, bí tích, và nhất là Thánh Thể. Phải có cặp mắt đức tin, bạn mới thấy và nhận được sự sống đời đời từ những dòng chữ bình thường của Lời Chúa và từ những dấu chỉ bên ngoài quen thuộc của các bí tích.

Chia sẻ: Tôi cần có thái độ nào để nhận ra quyền năng Chúa và sự hiện diện của Ngài đằng sau các dấu chỉ tầm thường của các bí tích?

Sống Lời Chúa: Chuyên cần đọc và sống Lời Chúa, và siêng năng lãnh nhận bí tích bởi vì biết rằng đó thật sự là nguồn mạch đem lại sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con mắt đức tin để con nhận ra Chúa nơi các dấu chỉ của bí tích, và nhận ra Chúa hiện diện nơi anh em con. Amen.