16/03 – CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY năm C.

“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Lời Chúa: Lc 9, 28b-36

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem.

Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.

Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Suy niệm: Chàng phi công St. Exupéry đồng thời là nhà văn nổi tiếng của Pháp, cho biết, bay giữa đêm tối thật là nguy hiểm. Phi công có thể lầm lẫn giữa sao trên trời và ánh sáng dưới đất. Vì thế, tỉnh táo phân biệt và định hướng quyết định sự sống còn của phi công. Ba chàng ‘phi công’ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an suýt mất mạng trong chuyến bay đức tin. Phê-rô đã lệch hướng bay khi không chấp nhận theo Thầy hướng về Giê-ru-sa-lem đón nhận thập giá; Gia-cô-bê và Gio-an hiểu sai về vinh quang của Đức Ki-tô nên không phân biệt những sự dưới đất và những sự trên trời. Phúc cho họ, Thiên Chúa đã giúp họ ‘tu nghiệp’ điều chỉnh hướng tới cuộc đời, bằng cách bộc lộ sự thật vinh quang của Đức Ki-tô và dạy nguyên tắc vàng ngọc: “Hãy vâng nghe lời Người”. Trong thông điệp đầu tiên của mình, “Đấng cứu chuộc loài người”, ĐGH Gio-an Phao-lô II đã định hướng cho mình và Giáo Hội dựa trên nguyên tắc ấy: định hướng duy nhất của trí tuệ, của ý chí, của lòng ta là Chúa Ki-tô, Đấng cứu chuộc loài người.

Mời Bạn: Trách nhiệm truyền giáo khiến bạn có khác gì viên phi công trưởng của chuyến bay có nhiều hành khách. Bạn đang nhắm hướng nào? Bạn có nghiêm túc giữ nguyên tắc căn bản “Hãy vâng nghe lời Người” không?

Sống Lời Chúa: Để định hướng cuộc đời bạn luôn hướng về Đức Ki-tô, bạn luôn dành thời gian để suy niệm lời Chúa hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra lòng từ ái của Chúa trong những đòi hỏi của Tin Mừng, xin giúp con thực hành những lời hằng sống ấy.

15/03 – Thứ Bảy tuần 1 Mùa Chay.

“Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.

Lời Chúa: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.

Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư?

Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo”.

Suy niệm: Yêu kẻ thù, mệnh lệnh thật khó chấp nhận, khó khả thi. Đành rằng, lời Chúa dạy là phải yêu thương – mà đạo nào lại chẳng dạy như thế – nhưng “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” thì quả là trái ngược với tính tự nhiên con người. Nhưng xét cho cùng, cái khó không ở nơi kẻ thù mà ở nơi mỗi chúng ta. Giống như Chúa cho mặt trời soi sáng cho cả người tốt cũng như kẻ xấu, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương, Thiên Chúa yêu ta, không phải vì ta tốt mà vì bản tính của Ngài là yêu thương. Chúng ta đã được trở nên con cái Chúa thì cũng được kêu gọi hành xử giống như Ngài, trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Mời Bạn: Cuộc sống vốn dĩ có những người yêu ta mà cũng có những người ghét ta. Nếu ai yêu tôi thì tôi yêu lại và ai ghét tôi thì tôi ghét lại, thì hoá ra tôi trở thành nô lệ bị chi phối bởi tình cảm ích kỷ chứ chưa thực sự tự do để yêu thương. Thiên Chúa là Tình Yêu. Những ai muốn nên giống Chúa thì cũng phải yêu thương như Chúa yêu. Yêu như thế là muốn cho người khác được mọi sự tốt lành, bất kể họ là người tốt hay kẻ xấu.

Sống Lời Chúa: Hãy ứng xử tốt với người mà ta gặp gỡ hôm nay, đừng vì họ là ai, mà vì ta là người của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thương con, không phải vì con xứng đáng, nhưng điều Chúa muốn nơi con, là hãy nên xứng đáng với địa vị làm con của Cha trên trời. Xin uốn lòng con nên giống như Trái Tim Chúa. A-men.

14/03 – Thứ Sáu tuần 1 Mùa Chay.

“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.

Lời Chúa: Mt 5, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

Suy niệm: Tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, chống lại tình yêu của Ngài. Tội xuất phát từ ý chí của tội nhân không muốn chấp nhận Thiên Chúa, bất tuân lề luật của Chúa trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Cội rễ của tội nằm ở trong lòng người. Vì thế muốn  tránh tội phải tránh ngay từ trong ý muốn, trong tư tưởng của mình. Theo lề luật cũ của người Do Thái, khi có hành vi ‘giết người’ mới kể là có tội để đưa ra toà xét xử. Còn với luật mới của Chúa Giê-su, ngay khi nuôi cơn giận dữ hay đem lời mắng chửi, khinh dể anh em mình cũng đã là tội đáng bị kết án rồi.

Mời Bạn: Năm Thánh là thời điểm đặc biệt giúp mọi người cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, hầu làm mới lại trong tâm hồn niềm hi vọng vào ơn cứu độ nơi Đức Ki-tô. Điều kiện tiên quyết để lãnh nhận hồng ân Năm Thánh, ơn Toàn xá, là phải thật lòng sám hối, quyết tâm chừa tội, xưng thú tội lỗi nơi bí tích Hoà giải để được ơn tha tội.

Sống Lời Chúa: Để việc ‘xưng tội’ giúp hoán cải và đổi mới đời sống, tôi dành thì giờ thuận tiện để xét mình cách cẩn thận trước khi đi xưng tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã đón nhận cái chết đau thương trên Thập giá để ban cho chúng con ơn tha tội và hoàn lại vẻ đẹp và sức sống cho tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con can đảm dứt bỏ mọi dính bén, quyến luyến với tội lỗi và quyết tâm đi theo con đường của Chúa. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ và xin cho chúng con được luôn sống trong tình yêu thương của Chúa. Amen.

 

13/03 – Thứ Năm tuần 1 Mùa Chay.

“Ai xin thì sẽ nhận được”.

Lời Chúa: Mt 7, 7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho.

Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!

“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Ðấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy”.

Suy niệm: Chúa Giê-su nói một cách chắc nịch: “Cứ xin thì sẽ được”, không có luật trừ. Nhưng trên thực tế, có biết bao người thất vọng vì lời cầu xin của mình không được chấp nhận. Và cũng có ai đó như vua A-kháp đã phải cay đắng thốt lên: “Tôi sẽ không xin nữa vì tôi không dám thử thách Thiên Chúa.” Chợt nhớ lại Lời trong thư của thánh Gia-cô-bê: “Anh em không có vì anh em không xin, anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Gc 4,2-3) Thực ra, chúng ta không biết phải cầu xin thế nào cho phải phép, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta (x. Rm 8,26-27). Thiên Chúa không bao giờ để những người đến xin ơn Ngài phải ra về tay không. Ngài sẽ ban cho chúng ta những điều còn tốt đẹp hơn mà chúng ta chẳng dám tưởng nghĩ bao giờ.

Mời Bạn: Lắm khi chúng ta coi Thiên Chúa như một cái kho chứa ơn thiêng, để khi cần chúng ta gõ cửa xin đủ thứ hết ơn này đến ơn khác. Cứ thử xét xem mình đã cầu nguyện để xin Chúa những gì? Xin cho gặp may mắn, trúng số chẳng hạn, cho giàu có sống lâu, cho thăng quan tiến chức, cho thi cử đỗ đạt mà mấy khi chúng ta nghĩ đến việc xin cho sống bác ái, yêu thương, tha thứ…?

Sống Lời Chúa: Điều thiện hảo nhất là chính Thiên Chúa, là Đấng thiện hảo và là nguồn mạch mọi ơn lành. Ta hãy xin cho được chính Chúa, chắc chắn bao giờ cũng sẽ đạt được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh thản nhiên để gánh chịu mọi buồn vui. Xin cho con sức mạnh dẻo dai nâng tâm hồn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Amen.

(Tagore)

12/03 – Thứ Tư tuần 1 Mùa Chay.

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

Suy niệm: Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh so sánh thật đậm nét khiến cho không ai có thể hiểu sai sứ điệp của Ngài. Vị trí của dân thành Ni-ni-vê ở rất xa trong chương trình cứu chuộc so với dân Ít-ra-en, dân riêng của Chúa. Còn ngôn sứ Giô-na dẫu sao cũng chỉ là sứ giả, hoàn toàn không thể so sánh với Đức Ki-tô: “Ở đây còn hơn ông Giô-na nữa.” Nếu như dân Ni-ni-vê đã sám hối ngay khi vừa nghe Giô-na rao giảng, thì dân riêng của Chúa còn phải sám hối cách mau mắn và triệt để hơn biết bao!

Mời Bạn: Công Đồng Tren-tô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải” (DZ. 1676). Đau buồn và gớm ghét quá khứ tội lỗi để từ bỏ, còn quyết tâm chừa cải là nhắm tới tương lai tốt đẹp, và thánh thiện. Vì thế, sám hối không chỉ dừng lại ở tâm tình mà còn phải biến thành hành động cụ thể là nhìn nhận việc làm sai trái để hoà giải với Chúa và anh em, đồng thời đền bù những thiệt hại mình đã gây ra. Trong Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi sám hối một cách khẩn thiết hơn. Chỉ nhờ nghe lời Giô-na mà dân Ni-ni-vê đã được Chúa nguôi cơn giận mà tha thứ; phần chúng ta nghe lời của Đức Giê-su, Con của Ngài, chúng ta còn được tha thứ và yêu thương biết mấy! Bạn còn chần chờ gì mà không sám hối trở về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà Giải?

Chia sẻ cảm nghiệm của bạn sau khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sám hối thật lòng và lãnh nhận bí tích Hoà Giải.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.

11/03 – Thứ Ba tuần 1 Mùa Chay.

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

Suy niệm: Có bao giờ chúng ta xin Chúa ban cho ta có không khí, có ánh sáng mặt trời, có gió mát…? Nhiều lúc chúng ta không ý thức để cầu xin những điều ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ và âm thầm ban cho ta vì đó là những điều cần thiết cho sự sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người có những nhu cầu và ước muốn khác nhau, do đó lời cầu nguyện của mỗi người cũng thật đa dạng: khẩn khoản van nài hay biện minh, giải thích với Chúa… cho đến khi đạt được. Lời cầu nguyện chân thành nào cũng có giá trị trước mặt Chúa, nhưng Chúa Giê-su đã dạy ta lời cầu nguyện lý tưởng nhất chính là Kinh Lạy Cha, và tâm tình đẹp lòng Chúa nhất chính là phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Chúa: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”.

Mời Bạn: Nhìn lại kinh nghiệm của mình về thời thơ ấu: luôn được cha mẹ che chở, bảo bọc và sắm sửa những thứ cần thiết dù khi chúng ta chưa nhận thấy và kêu xin. Thiên Chúa quan tâm và nhìn thấy những điều cần thiết cho chúng ta ở đời này và cả hạnh phúc đời sau. Chúng ta cứ an tâm dâng lời cầu xin cho sáng danh Chúa và cho thiện ích của tha nhân, hơn là chỉ dừng lại nơi những nhu cầu của bản thân mình. Tinh thần phó thác vào Chúa sẽ đem lại cho ta nhiều điều thật thú vị, bất ngờ.

Bạn chia sẻ cảm nghiệm khi bạn nhận được một điều tốt lành và cần thiết mà bạn chưa dám xin hay tìm kiếm.

Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện một cách đơn sơ và để Chúa quyết định mọi việc xảy đến với ta theo ý Ngài.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha một cách khoan thai và sốt sắng.

10/03 – Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay.

“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?”

Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”

Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Suy niệm: Trước lời tuyên công luận tội của Chúa, người lành cũng như kẻ tội lỗi, đều phải thắc mắc: có bao giờ chúng tôi thấy Chúa thế này hay thế khác để làm phúc? Nếu gặp thấy Chúa, chúng tôi sẽ phụ giúp Chúa ngay, không trì hoãn. Như thế, mọi phản ứng tốt hay xấu đều tùy thuộc vào con mắt đức tin có nhận ra Chúa hay không. Người thấy Chúa hiện thân hôm nay nơi người bên cạnh và đối xử tốt, sẽ được Chúa gọi vào nhận phần phúc: Vì Ta là người chồng thất nghiệp, ngươi đã cảm thông mà không đay nghiến Ta; Ta là người vợ yếu đuối, ngươi đã phụ giúp và nâng đỡ Ta; Ta là người con bệnh tật, ngươi đã chăm sóc mà không bỏ rơi; Ta là thai nhi không được bênh vực, thế mà ngươi vẫn yêu thương cưu mang và cho sinh làm người.

Mời Bạn: Nếu nhiều người không nhận ra Chúa nơi người khốn khổ lở lói nằm kề đống rác, thì mẹ Tê-rê-xa đã nhận ra đó là Đức Giê-su của hôm nay, nên đón nhận về nhà chăm sóc. Bạn và mọi Ki-tô hữu cũng được mời gọi nhận ra Chúa như thế đó.

Chia sẻ: Vì sao ai cũng nói mình muốn phục vụ Chúa nhưng khi phục vụ Ngài hiện thân nơi những con người sống chung quanh ta thì lại khó như thế?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc cụ thể giúp đỡ người trong gia đình như đang phục vụ Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết rằng, mỗi khi người anh em đang cần những bàn tay trợ giúp, là lúc Chúa cần con.

09/03 – CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY năm C.

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Lời Chúa: Lc 4, 1-13

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ.

Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”

Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Suy niệm: Cám dỗ đầu tiên ma quỷ tấn công Chúa Giê-su là một điều hết sức bình thường của cuộc sống: có một tấm bánh để ăn trong lúc đói lòng. So với hai cám dỗ tiếp theo về quyền lực và danh vọng thì có vẻ nó là chuyện ‘lẻ tẻ’, thế nhưng nó lại là cơn cám dỗ ghê gớm nhất. Những ai đã từng chịu đói, đã từng phải chạy đôn chạy đáo kiếm bữa cháo qua ngày sẽ thấy sự kinh khủng của cơn cám dỗ này. Vì miếng ăn, người ta có thể bán rẻ lương tâm, lường gạt bạn bè, cướp giật và thậm chí chém giết nhau. Chúa Giê-su đã chịu đựng cơn cám dỗ này sau một chuỗi dài 40 ngày nhịn đói và Ngài đã anh hùng chiến thắng nó với lời khẳng định: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Lương thực của Ngài là “thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Mời Bạn: Người ta vẫn thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ lo cho phần ‘có thực’, nghĩa là chỉ lo cho việc ăn uống nuôi thân xác, mà quên mất việc ‘được đạo’, nghĩa là nuôi sống phần hồn bằng Lời Chúa, bằng đời sống đạo sốt sắng và sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa.

Sống Lời Chúa: Lấy câu Lời Chúa: “Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh” làm châm ngôn sống đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những cơn cám dỗ thỏa mãn thân xác vẫn đến và muốn đánh ngã con mỗi ngày. Xin giúp con sức mạnh để vượt thắng chúng bằng việc bớt chăm sóc thân xác nhưng quan tâm lo lắng đến phần hồn nhiều hơn. Amen.

08/03 – Thứ Bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Suy niệm: Có một người dự tòng thắc mắc: mình vốn sống lương thiện, nay tin Chúa, muốn theo đạo, có làm gì sai mà phải “sám hối”, phải “rửa tội”? Thắc mắc đó đi vào đúng trọng tâm của Ki-tô giáo. Thánh Gio-an Tẩy giả đúc kết lời rao giảng bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Và Chúa Giê-su khi khởi đầu rao giảng cũng lặp lại chính những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vì thế mục tiêu của Chúa trong chương trình cứu độ là tìm kiếm những người tội lỗi, hay nói đúng hơn, là những người nhận biết mình tội lỗi và kêu gọi họ sám hối để được cứu độ. Và không chỉ rao giảng bằng lời, Chúa còn nêu gương bằng cách chính Ngài gánh lấy tội lỗi muôn người làm tội của mình để mà đền thay.

Mời Bạn: Việc đầu tiên người tông đồ phải làm để loan báo Tin Mừng là chính mình phải sám hối vì nhận thức được rằng mình là người có tội với Chúa và với tha nhân: có tội vì đã không tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ, đã không yêu thương tha nhân như tha nhân đáng được yêu thương; hơn nữa, phải cảm nhận được trong tội lỗi của tha nhân cũng có phần trách nhiệm của tôi: nếu tôi thánh thiện hơn thì những tội lỗi như thế có thể đã không xảy ra.

Chia sẻ : Cảm thức về tội lỗi như thế có phải là mặc cảm tội lỗi và làm suy giảm phẩm giá con người không?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội.