07/03 – Thứ Sáu đầu tháng, sau lễ Tro.

“Khi tân lang ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

Lời Chúa: Mt 9, 14-15

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”

Chúa Giêsu nói với họ: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay”.

Suy niệm: Đối với người Do Thái, ăn chay là giảm bớt thức ăn, hoặc hơn thế, là nhịn ăn vào một số ngày qui định, có thể gọi đây là ‘chay miệng’. Môn đệ Gio-an Tẩy giả và những người Pha-ri-sêu quan tâm đến việc giữ ‘chay miệng’, và dựa vào đó để chất vấn tại sao các môn đệ Đức Giê-su không giữ chay giống như họ. Đáp lại, Chúa ví Ngài là chàng rể trong tiệc cưới và mọi người vì chàng mà vui mừng, không ai lại ăn chay lúc đó. Ngài nhắc nhở ‘chay miệng’ cần phải có ‘chay lòng’ nữa, nghĩa là thái độ khiêm tốn phó thác nơi Chúa và khao khát kết hợp với Đấng Ki-tô trong công trình cứu độ của Ngài. Nếu không có việc ‘chay lòng’ này, thì ‘chay miệng’ sẽ chẳng có ý nghĩa, chẳng có giá trị gì.

Mời Bạn: Việc ăn chay đối với người môn đệ Đức Ki-tô là đồng cảm với Ngài trong “ngày chàng rể bị đem đi”. Chính vì thế, việc ‘chay lòng’ là việc cần làm trong mọi thời điểm của cuộc sống Ki-tô hữu, cách riêng trong mùa Chay để ăn năn sám hối, nối lại tình thân với Chúa và tham gia vào cuộc khổ nạn và phục sinh với Ngài. “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức…”, và làm việc bác ái giúp kẻ khốn cùng… đó là những việc tích cực mà ngôn sứ I-sai-a kêu gọi thực hiện cùng với việc ăn chay (Is 58,6-7).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn ý thức làm những việc lành tích cực để thực hiện việc ‘chay lòng’ trong mùa Chay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con cơ hội trở về với Chúa qua việc giữ ‘chay miệng’ cũng như giữ ‘chay lòng’. Xin cho chúng con biết dừng lại sau những ngày bận tâm bận trí với cuộc sống để nhìn ra mùa Chay quả là mùa hồng phúc.

06/03 – Thứ Năm đầu tháng, sau lễ Tro.

“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Lời Chúa: Lc 9, 22-25

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Suy niệm: “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, câu thơ của Tào Tùng thời Đường (Trung Quốc) diễn tả tâm trạng ngậm ngùi của vị tướng chiến thắng khải hoàn trong vinh quang nhưng với cái giá phải trả là hằng vạn binh sĩ của ông đã phải phơi xương tại trận tiền. Quả thật, Chúa không hứa hẹn cho những kẻ theo Ngài một cuộc sống dễ dàng, được giàu sang phú quý nơi trần thế, mà trái lại phải chấp nhận hy sinh, gian khổ, và kể cả cái chết. Mặt khác, Ngài không phải là vị tướng ‘sát quân, thí tốt’ khi kêu gọi “ai muốn theo tôi, phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Nhưng, trước khi yêu cầu điều đó, Ngài báo trước chính Ngài “sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Chính Ngài đã đi trước chúng ta trên con đường khổ giá đó, và mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, cùng chết với Ngài và sẽ được cùng Ngài sống lại.

Bạn thân mến, đi theo Đức Ki-tô là đi vào con đường từ bỏ và hy sinh. Đó là “từ bỏ chính mình”, nghĩa là từ bỏ lòng tự mãn, ý riêng, từ bỏ những đam mê bất chính đối nghịch với Tin Mừng. Đồng thời, đó cũng là “vác thập giá mình hằng ngày”, là hy sinh, đón nhận những lao nhọc vất vả, bệnh tật… trong cuộc sống, với những thách đố của đức tin. Bạn có sẵn sàng từ bỏ và hy sinh để bước theo Ngài không?

Sống Lời Chúa: Thực hành hy sinh qua thái độ vui tươi nhẫn nhịn trước sự khó chịu, xúc phạm người khác gây ra.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết từ bỏ tính ích kỷ, để chúng ccon quảng đại đón nhận tha nhân dù họ vẫn còn những khuyết điểm khó thương.

05/03 – THỨ TƯ LỄ TRO. – Giữ chay và kiêng thịt.

“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

Suy niệm: Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc căn bản về đời sống thiêng liêng: Mọi việc dù là đạo đức nhất đi nữa cũng chỉ có giá trị khi người ta làm vì Thiên Chúa: 1/ Bố thí không phải để quảng cáo chính mình. Một nghĩa cử chia sẻ chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi được làm với một tình yêu cho không. 2/ Cầu nguyện, càng không phải việc làm cốt để cho người khác nhìn thấy, dù là cầu nguyện chung với người khác, nhưng là chuyện gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa là Cha, Đấng thấu suốt mọi tâm can con người. 3/ Cũng thế, ăn chay đích thực là thống hối, lột trần mình trước mặt Chúa, thấy mình là hư không trước mặt Người.

Mời Bạn: Mở đầu mùa Chay, tìm lại ý nghĩa đích thực của việc sống đạo: Cầu nguyện mà không gặp Chúa, ăn chay mà không sửa mình, bố thí mà không có lòng bác ái thì chỉ là thỏa mãn với mặt nạ thánh thiện mà thôi. Bạn đã có dự kiến gì để sống thật thân thiết với Chúa 40 ngày mùa chay này chưa?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn dành ít là 5 phút cầu nguyện riêng một mình bạn với Chúa, và làm một việc bác ái với một người mà bạn không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tận dụng thời gian thuận tiện là mùa chay này để đổi mới đời sống đạo của chúng con bằng cách luôn sống dưới ánh mắt âu yếm của Chúa. Amen.

04/03 – Thứ Ba tuần 8 thường niên.

“Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu”.

Lời Chúa: Mc 10, 28-31

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?”

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.

Suy niệm: Phê-rô băn khoăn vì đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa trấn an ông rằng sự từ bỏ đó không có nghĩa là mất tất cả. Ngài cho biết những ai từ bỏ của cải, gia đình “vì Đức Ki-tô và vì Tin Mừng” sẽ được Chúa ban lại gấp trăm ngay ở đời này. Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Họ sẽ nhận được “sự ngược đãi”. Trong thực tế, họ thậm chí còn bị giết chết. Nhưng Chúa còn quảng đại gấp trăm ngàn lần. Ngài sẽ thưởng ban “sự sống vĩnh cửu đời sau” cho những ai từ bỏ mọi sự theo Ngài.

Mời Bạn: Có những lúc chúng ta bị giằng co khi chọn tin và đi theo Chúa thì phải từ bỏ lợi lộc, sự nghiệp ở đời này, thậm chí phải từ bỏ những gì thân yêu nhất, có khi cả mạng sống nữa. Tuy nhiên, Chúa chẳng để ta thiệt thòi trên đường theo Chúa. Ngài hứa ban cho ta gấp trăm ở đời này và gấp bội phần ở đời sống vĩnh cửu mai sau. Thánh Phao-lô đã truyền đạt cho chúng ta niềm xác tín đó: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).

Sống Lời Chúa: Làm những hy sinh nhỏ thường ngày để sẵn sàng hy sinh từ bỏ lớn hơn “vì Chúa và vì Tin Mừng”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con vẫn còn hẹp hòi khi phải từ bỏ để theo Chúa. Xin cho con quảng đại dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc sống con. Amen.

03/03 – Thứ Hai tuần 8 thường niên.

“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

Lời Chúa: Mc 10, 17-27

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó.

Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Suy niệm: Người thanh niên này chẳng những giàu có, lại đạo đức, “tuân giữ các giới răn từ thưở nhỏ”; anh lại có thiện chí đến xin Đức Giê-su chỉ vẽ phải “làm thế nào để có sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Điều đó khiến Chúa “đem lòng yêu mến” anh. Nhưng Chúa lại bảo anh vẫn còn thiếu một điều. Chỉ còn một bước nữa là tới “kho tàng trên trời” ấy thế mà anh lại vuột mất kho báu vô giá ấy chỉ vì anh không thể đáp ứng được đòi hỏi thiết yếu của Chúa: “bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo”. Hoá ra, chỉ tuân giữ các giới răn mà thôi thì chưa đủ, còn phải biết chia sẻ “những gì mình có” cho những người túng nghèo đang cần đến.

Mời Bạn: Anh em dân tộc đánh bẫy khỉ phá hại nương rẫy bằng cách lấy trái bầu khô có khoét lỗ vừa bằng nắm tay, bên trong bỏ một ít hạt bắp hạt đậu. Con khỉ nào nắm đầy những đậu bắp không chịu buông bỏ sẽ bị kẹt tay trong trái bầu và đành bị bắt. Người ‘giàu’ không thể vào Nước Trời không phải vì nhiều của cải mà là vì không biết chia sẻ cho anh em túng nghèo; họ sẽ bị kẹt không thể lách qua “cánh cửa hẹp” dẫn vào Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Mời bạn xét mình: Bạn có đang bo bo không chia sẻ một ít của cải cho người đang cần chút của ăn để sống qua ngày? Bạn có biết nói đôi lời an ủi cho người đang sầu muộn? Bạn có sẵn sàng làm điều gì đó để giúp người anh em được sống tốt hơn lên không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết cho đi mà không mong đợi đền đáp, để con được vào Nước Chúa ngay ở cõi đời này. Amen.

02/03 – CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN năm C.

“Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng”.

Lời Chúa: Lc 6, 39-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Suy niệm: Hãy thử tưởng tượng một người mang đôi kính vấy bẩn rồi phàn nàn rằng mọi thứ xung quanh đều mờ đục. Thực ra, vấn đề không nằm ở xa bên ngoài mà là ở chính đôi kính anh ta đang đeo. Dùng một hình ảnh rất dí dỏm nhưng thật ý nhị: một người có cái xà to đùng trong mắt mà lại đòi lấy cái rác nhỏ xíu trong mắt người khác, Đức Giê-su dạy các môn đệ thay vì xét đoán tha nhân, trước tiên phải nhìn lại chính mình và sửa đổi bản thân trước đã. Thật vậy, khi tâm hồn bị lấp đầy bởi tính ích kỷ và kiêu ngạo, khi cái nhìn bị che khuất bởi thành kiến, thì mọi sự, từ nhận thức đến hành động của ta, đều trở nên méo mó sai lệch. Và nếu lấy cái sai lệch đó làm thước đo cho sự ngay chính thì hậu quả sẽ nguy hại khôn lường, vì “mù mà lại dắt mù” thì cả hai sẽ “sa xuống hố”.

Mời Bạn: Chúa không bảo ta đừng giúp anh em sửa lỗi, nhưng Ngài dạy rằng trước khi làm điều đó, ta cần khiêm tốn xét mình, thanh luyện bản thân để có cái nhìn trong sáng, bao dung thì lời nói của ta mới có sức thuyết phục và mang lại điều tích cực cho tha  nhân.

Sống Lời Chúa: Thay vì lấy mình làm tiêu chuẩn xét đoán người khác, mỗi ngày bạn dành thời gian để xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con dễ dàng phán xét anh em mà quên xét lại chính mình. Xin cho con biết khiêm tốn để nhận ra và sửa chữa những nết xấu của bản thân; xin cho con tấm lòng bao dung nhân hậu như Chúa để đón nhận tha nhân với tất cả những khuyết điểm lầm lỗi của họ và giúp nhau chữa lành những tật bệnh tâm hồn. Amen.

01/03 – Thứ Bảy tuần 7 thường niên.

“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”.

Lời Chúa: Mc. 10, 13-16

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ.

Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng.

Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Suy niệm: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mượn lăng kính của một người ngấp nghé tuổi ngũ tuần “xin một vé đi tuổi thơ” để nhìn lại những nét hồn nhiên xinh đẹp của tuổi hoa niên đã qua của mình. Chúa Giê-su cho biết tuổi thơ đích thực không phải ở phía sau mà còn đang ở phía trước; đó là tình trạng mỗi người phải đạt tới nếu muốn được đón nhận vào Nước Trời, bởi vì Ngài nói: “Nước Thiên Chúa là thuộc về những ai giống như trẻ thơ.” Chính vì thế Ngài đã “bực mình” khi các môn đệ ngăn cản trẻ em đến với Chúa. Chúa Giê-su không có ý nói đến thứ ‘trẻ thơ’, ỷ lại, ngây ngô, không hiểu biết. Ngài vạch ra cho chúng ta ‘con đường đi trẻ thơ’ bằng mẫu gương là chính con đường Ngài đã đi qua. Dù là Con Thiên Chúa, đầy thượng trí và quyền năng, Ngài đã buông bỏ tất cả, trở nên giống hẳn người phàm để hiến thân chịu chết trên thập giá. Tất cả những điều đó, Ngài đã thực hiện với tư cách Người Con, như một trẻ thơ hoàn toàn vâng phục, phó thác trong tay Thiên Chúa, Cha của Ngài (x. Pl 2,6-8).

Bạn thân mến, con đường đi trẻ thơ của chúng ta vẫn chưa đóng lại. Khi chúng ta bình tâm suy xét dưới ánh sáng của Lời Chúa, và với tất cả ý thức và tự do của mình, chúng ta chọn lựa đặt phó thác vận mạng đời ta trong tay Chúa để hoàn toàn thuận theo ý Ngài, lúc đó chúng ta đang trên đường đi đến tuổi thơ với Đức Ki-tô rồi đó.

Sống Lời Chúa: Mỗi tối kiểm điểm đời sống để định hướng xem mình có trệch khỏi con đường đến tuổi thơ không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chúng con, xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

28/02 – Thứ Sáu tuần 7 thường niên.

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Lời Chúa: Mc. 10, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ.

Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”.

Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Suy niệm: Thủ tướng Anh W. Churchill có lần tâm sự rằng thành tựu sáng chói nhất trong đời ông không phải là lãnh đạo Nước Anh thành công chống lại Đức Quốc Xã, mà là việc thuyết phục được vợ ông đồng ý cưới ông. Có lẽ đó cũng là cảm nghiệm của nhiều người khi nhìn lại hôn nhân đời mình. Thế nhưng, cuộc đời thay đổi mau lẹ tựa chong chóng: niềm vui của đôi vợ chồng ngày mới cưới, trải qua thời gian, trở nên bình thường, thậm chí nhàm chán, nặng nề. Những lúc ấy, cần lắm hai người cùng ngồi xuống để lấy lại tâm hồn bình an và cái nhìn tỉnh táo, để thấy được người bạn đời đang chung sống với mình bấy lâu là hồng ân vô cùng quý giá Chúa ban, quý đến nỗi Ngài đã thiết định thể chế hôn nhân, một thể chế kết hợp bền vững “loài người không được phân ly”.

Mời Bạn: Tình trạng ly hôn ở nước ta đang ở mức báo động với 60.000 vụ/năm, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì một cặp ly hôn, và độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân ly hôn thì có nhiều nhưng trong đó lý do sâu xa là hôn nhân không được đặt trên nền tảng tình yêu đích thực mà bị coi như “một cuộc chơi”“nhân danh sống cho chính mình” để chia tay khi gặp điều không vừa ý. Phải có một cảm thức đức tin (sensus fidei) nhạy bén để nhận ra hôn nhân là hồng ân quý giá mà Thiên Chúa tặng ban và chúc phúc cho con người ngõ hầu có thể sống đời vợ chồng trong tình yêu thương, chung thủy.

Sống Lời Chúa: Gia đình cầu nguyện chung với nhau để có Chúa luôn ở cùng và gia đình được hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở lại với gia đình chúng con nhờ đó, chúng con trở nên một gia đình thánh.

27/05 – Thứ Năm tuần 7 thường niên.

“Thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục”.

Lời Chúa: Mc. 9, 41–50

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.

“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”.

Suy niệm: Trong sân của một ngôi trường phổ thông kia có những hàng phượng trồng đều tăm tắp. Giữa những hàng phượng đó, có một cây đặc biệt được bao quanh bằng một hàng rào sắt sơn phết thật đẹp. Lý do khiến nó được ‘ưu ái’ như vậy không phải vì nó là giống phượng quý đẹp hơn những cây khác mà vì nó đã được trồng bởi chính tay vị chủ tịch nước khi ông đến thăm trường. Chuyện cây phượng chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với việc các môn đệ được thuộc về Chúa Ki-tô. Chẳng những họ coi như hiện thân của chính Chúa Ki-tô –“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40)– mà cả những ai tiếp đón họ, dù chỉ với một ly nước lã, cũng được trọng thưởng nữa.

Bạn ơi, bạn vốn có phẩm giá cao quý vì bạn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ bí tích Rửa tội, bạn trở nên con cái Thiên Chúa và được thuộc về Đức Ki-tô, bạn lại càng trở nên cao quý hơn gấp bội phần. Ý thức như thế, chúng ta trân trọng phẩm giá cao quý Chúa ban tặng cho mình để nhờ ơn Chúa, chúng ta sống cuộc sống công chính thánh thiện. Đồng thời, chúng ta cũng biết nhìn nhận phẩm giá cao quý của anh chị em và cư xử với nhau trong tình yêu thương và tương kính. Bạn có biết lời cầu nguyện và các bí tích là những cánh cổng giúp bạn kết nối với Chúa và được thuộc về Ngài không? Mời bạn liên lạc nối kết với Ngài để thuộc về Ngài cách sâu đậm hơn.

Sống Lời Chúa: Luôn dành riêng một thời gian trong ngày để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã kêu gọi con làm con Chúa. Xin giúp con sống xứng đáng với phẩm giá cao quý này.