22/02 – Thứ Bảy tuần 6 thường niên. – LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Lễ kính.

“Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Lời Chúa: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?”

Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!”

Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Suy niệm: Nhân vật Ben Hur trong bộ phim cùng tên đã thốt lên: “Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Rô-ma. Thế mà Ngài lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rô-ma và để vũ khí mà ta khổ công rèn đúc phải rỉ sét ư?” Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức Giê-su, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân đội Rô-ma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Ki-tô Cứu Thế như Phê-rô tuyên xưng. Thế nhưng, Ngài còn là Người Con hiếu thảo với Cha, cả đời Ngài chỉ canh cánh một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi dào.

Mời Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với Thiên Chúa qua người Anh Cả là Đức Giê-su, Đấng là Thiên-Chúa-thần-linh, nhưng đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân thiết với người Anh Cả là Thiên Chúa và là con người, bạn gặp được Thiên Chúa và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: “Abba!” “Cha ơi”.

Sống Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức Giê-su như thế nào: gắn bó thân thiết như nên “một” với Ngài hay hờ hững qua loa? Và tìm mọi cách để Ngài thực sự sống trong tôi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

21/02 – Thứ Sáu tuần 6 thường niên.

“Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Lời Chúa: Mc 8,34-9,1

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.

Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.

Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh”. Và Ngài nói với họ: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng”.

Suy niệm: Đang khi vị tướng La Mã lừng danh Fabiô Maximô thảo luận với bộ tham mưu về chiến thuật đánh chiếm một vị trí quan trọng, thì một cố vấn đề nghị phương cách chiến thắng với số thương vong ít nhất có thể. Maximô nhìn thẳng vào vị cố vấn ấy và hỏi: “Thế ông có sẵn lòng làm một trong số ít người đó không?” Chúa Giê-su không phải là một vị tướng ngồi từ xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt thí. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đi bước trước đối đầu với nó. Nếu Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người chúng ta vác thập giá, bởi vì chính Ngài đã từng vác một cây như vậy.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không mời gọi bạn theo Ngài bằng cách hứa hẹn một con đường dễ dãi, nhưng bằng cách thách đố bạn, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn bạn, cũng như đề nghị với bạn một con đường ngày càng gian khổ hơn, nhưng vươn cao hơn. Ngài không hứa hẹn sẽ làm cho đời bạn được dễ dàng hơn, nhưng sẽ giúp bạn trở thành vĩ đại hơn. Muốn trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giê-su, bạn phải luôn luôn trả lời “không” với chính bản thân và đáp “vâng” với Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ở với con lúc con gặp thử thách gian truân, để con có đủ sức mạnh và can đảm mà trung thành theo chân Chúa đến cuối hành trình trần gian này. Amen.

20/02 – Thứ Năm tuần 6 thường niên.

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Lời Chúa: Mc 8, 27-33

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”.

Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó.

Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Suy niệm: Không phải hễ loan báo bất cứ thông tin nào về Chúa Giê-su cũng là thi hành sứ mạng truyền giáo. Đã từng có những lời loan báo sai lầm, khiến người nghe không thể gặp Chúa Giê-su đích thực. Thời các Tông Đồ, người ta bảo Chúa là Gio-an Tẩy Giả, là ngôn sứ Ê-li-a, hay là một ngôn sứ. Những lời này rốt cuộc đưa người nghe đến gặp một ai khác chứ không phải Chúa Giê-su. Thời nay cũng không thiếu những sai lầm như thế. ĐTC Gio-an Phao-lô II lưu ý trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu rằng “điều nghịch lý là phần lớn người Á châu có khuynh hướng nhìn Đức Giê-su, sinh ra trong phần đất Á Châu, như là một nhân vật Âu châu hơn là Á châu” (số 20). Theo ngài, sở dĩ Chúa Giê-su bị trình bày như xa lạ với Á châu là do một chuỗi dài lịch sử, các tín hữu đã không chú ý đến hoàn cảnh người nghe và văn hóa châu Á của họ. Việc thiếu học biết giáo lý cũng khiến người ta hiểu sai và loan báo sai về Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Rất đông các tín hữu cho rằng chỉ cần học giáo lý để lãnh nhận các bí tích (Thêm Sức, Hôn Nhân…) là đủ. Tệ hơn nữa nhiều vị phụ huynh coi trọng việc cho con cái đi học thêm về văn hoá mà bỏ bê việc học giáo lý. Bạn làm gì để khắc phục tình trạng này?

Sống Lời Chúa: Ghi danh học lớp giáo lý hoặc bắt đầu tìm đọc một sách trình bày giáo lý của Hội Thánh Công giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chuyên cần học hỏi giáo lý, nhờ đó, con trình bày Chúa cách chính xác cho anh em con hiểu và sẵn sàng tin theo Chúa.

19/02 – Thứ Tư tuần 6 thường niên.

“Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng”.

Lời Chúa: Mc 8, 22-26

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”.

Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”.

Suy niệm: Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thường thấy Chúa Giê-su chỉ cần quát một tiếng: “Im đi!” thì tức khắc sóng gió liền câm lặng (Mc 4,39); hoặc Ngài chỉ nói nhẹ nhàng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” là người mù ở Giê-ri-khô liền nhìn thấy được như lòng mong ước (Mc 10,52). Thế nhưng lần này, Ngài phải khá là vất vả: nhổ nước miếng vào mắt người mù ở Bết-xai-đa và đặt tay trên anh, thế mà anh chỉ có thể thấy lờ mờ. Phải đợi tới lần thứ hai Chúa đặt tay trên mắt anh, anh ta mới nhìn thấy tỏ tường. Quyền năng Chúa thì vô biên nhưng tội lỗi có khi đã “di căn” trầm trọng trong tâm hồn con người. Chúa vẫn nhẫn nại không mệt mỏi để chạm đến chúng ta, đặt tay trên chúng ta lần nữa, và lần khác nữa. Phần chúng ta muốn được Chúa chạm đến và chữa tận căn tật bệnh tâm hồn, không phải chỉ đến lãnh nhận ơn tha tội một lần là đủ mà phải kiên trì và nỗ lực để sám hối và thăng tiến mỗi ngày.

Mời Bạn: Bạn có chấp nhận thứ hoán cải nửa vời, để chỉ nhìn thấy tha nhân “lờ mờ như cây cối biết đi” thay vì nhìn họ rõ nét như những người anh chị em rất thân thương hay không? Hay bạn nản lòng buông xuôi trước những nết xấu thâm căn cố đế của mình? Xin bạn đừng ngại đến với Chúa trong bí tích hoà giải để Ngài chạm đến bạn lần nữa, và chữa lành bạn.

Chia sẻ: Chúa nhẫn nại và bao dung với bạn. Còn bạn đối với tha nhân thì sao?

Sống Lời Chúa: Sám hối về những tội mình cứ tái phạm nhiều lần và thành tâm đến lãnh nhận bí tích hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa. Xoá tội con theo lượng cả đức từ bi.    (Tv 50)

 

18/02 – Thứ Ba tuần 6 thường niên.

“Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”.

Lời Chúa: Mc 8, 14-21

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”.

Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”.

Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”.

Suy niệm: Chưa bao giờ Đức Giê-su đặt ra cho các môn đệ nhiều câu hỏi dồn dập như vậy. Rõ ràng Chúa có ý dùng hình ảnh ví von khi dặn dò các môn đệ “phải đề phòng ‘men’ Pha-ri-sêu và ‘men’ Hê-rô-đê”; thế mà các ông lại có cái nhìn hết sức thiển cận khi họ lo lắng vì quên dự trữ bánh trên thuyền khi đi biển. Đức Giê-su rất đỗi ngạc nhiên tưởng chừng như thất vọng với các môn đệ. Chỉ thiếu có vài chiếc bánh mà các ông đã cuống cuồng lên, trong khi đã bao lần họ từng chứng kiến Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Mới đó mà các ông quên rồi sao? Hơn nữa, vị Thầy đầy quyền năng đang ở bên họ mà họ lo lắng chuyện vặt vãnh như thế! Các ông còn chưa hiểu sao? Và nhất là, Chúa mời gọi các môn đệ đề phòng lối sống đạo đức giả của phái Pha-ri-sêu hay não trạng hưởng thụ vật chất của phe Hê-rô-đê thì họ chỉ bận tâm đến những nhu cầu thế tục. Chúa than thở: “Lòng anh em ngu muội thế sao?”

Bạn thân mến, Chúa vẫn hỏi chúng ta những câu hỏi đó khi chúng ta quá xao xuyên trước những lo âu của cơm áo gạo tiền, khi chúng ta muốn thoả mãn những nhu cầu hưởng thụ vật chất mà quên rằng “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20), nơi Đức Ki-tô đang ngự trị bên hữu Thiên Chúa (x. Cl 3,1). Bạn sẽ trả lời sao với Chúa đây?

Sống Lời Chúa: Ôn lại những ơn lành Chúa đã ban để sống tâm tình tạ ơn và phó thác trong mọi giây phút cuộc đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin vững chắc, một đức cậy vững vàng, một lòng mến sắt son để con luôn trung thành với Chúa, vượt thắng mọi thử thách trong cuộc đời. Amen.

 

17/02 – Thứ Hai tuần 6 thường niên.

“Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”.

Lời Chúa: Mc 8, 11-13

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người.

Người thở dài mà nói: “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào”. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

Suy niệm: Trong  năm rao giảng, Chúa Giê-su làm không biết bao nhiêu phép lạ, mọi người đều xem thấy. Có những người “đã thấy và đã tin vào Ngài”. Thế nhưng, phải chăng phép lạ là bằng chứng không thể chối cãi về Thiên Chúa? Phải chăng hễ ai cứ thấy phép lạ thì chắc chắn phải tin? Thực tế không phải thế! Những người Pha-ri-sêu thấy phép lạ đã chẳng vu khống Đức Giê-su “dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun” để trừ quỷ đó sao (Mc 3,22)? Họ đòi Chúa phải làm “dấu lạ từ trời” theo ý họ, không phải để tin mà “để thử thách Người”. Chúa Giê-su đã không chiều theo đòi hỏi vô lối đó, Ngài không cho họ “một dấu lạ nào cả” ngoại trừ “dấu lạ Giô-na”, đó chính là dấu lạ của cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Khi làm một phép lạ cho ai Chúa Giê-su đòi hỏi người ấy phải có lòng tin, dù lòng tin còn yếu kém (x. Mc 9,24); hay ít ra, phép lạ có thể khơi dậy niềm tin nơi người ấy. Niềm tin đích thực chính là sự phó thác hoàn toàn vào quyền năng vô cùng và tình yêu vô biên của Chúa. Nhờ đó, bạn có thể nhận ra Ngài vẫn làm phép lạ nơi bữa cơm gia đình của bạn, nơi những gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày của bạn. Và nhất là tại bàn tiệc thánh, nơi Đức Ki-tô vẫn làm hiện “dấu lạ Giô-na” qua hy tế Thánh Thể.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút tâm sự Chúa Giê-su hiện diện nơi Thánh Thể và xin ơn nhận ra dấu lạ của Ngài trong đời thường của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở lòng con để con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những điều bình dị của cuộc sống. Xin giúp con sống đức tin mạnh mẽ và làm chứng cho tình yêu Chúa.

 

16/02 – CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN Năm C.

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Lời Chúa: Lc 6, 17. 20-26

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật.

Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi.

Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy.

Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười.

Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi.

Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát.

Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc.

Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Suy niệm: Người đời tìm mọi cách để dành cho bằng được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tương tàn khốc hại… Đang khi đó, Chúa Giê-su lại coi nghèo là một mối phúc. Chắc chắn, Ngài chống lại thứ nghèo làm tổn thương nhân phẩm. Ngài muốn con người được sự giàu có vĩnh cửu: được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu có chỉ đem lại niềm hạnh phúc chóng vánh, tạm thời ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang bền vững ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Nghèo có phúc là: – nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị trái lại phục vụ trong khiêm tốn; – làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ còn có tình mến chan hoà. Nghèo như thế mới là mối phúc.

Mời Bạn: “Trong thế giới chúng ta, tiền, lợi nhuận, sự khao khát của cải vật chất phá hỏng mọi tương quan, đức nghèo chọn lựa cách tự nguyện trong đoàn kết và chia sẻ dạy ta lòng biết ơn và biết sống cách vô vị lợi, cậy trông và phó thác” (Sr Christianne, fmm). Lời chia sẻ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ để sống nghèo như mối phúc của Chúa Giê-su không? Bạn hãy chia sẻ mục đích sống nghèo mà bạn sẽ chọn lựa.

Sống Lời Chúa: Trong tương quan với người khác, ta nghĩ đến cảm thông, chia sẻ thay vì tư lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin ký thác đường đời con cho Chúa. Amen.

15/02 – Thứ Bảy tuần 5 thường niên.

“Họ ăn no nê”

Lời Chúa: Mc 8,1-10

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”.

Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no”. Và người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”.

Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.

Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðam-ma-nu-tha.

Suy niệm: Theo Tin Mừng Mác-cô, có chừng bốn ngàn người đi theo Đức Giê-su và họ ở lại với Ngài “đã ba ngày rồi”. Hẳn là họ không ngờ Chúa có sức cuốn hút đến nỗi họ quên cả thời gian để ở lại với Ngài lâu như vậy; không dự kiến một chuyến đi kéo dài như thế, cho nên giờ đây họ không còn gì để ăn!!! Chúa Giê-su không bỏ mặc họ, Ngài không để họ phải bụng đói ra về kẻo “họ sẽ bị xỉu dọc đường” chăng. Ngài đã dùng 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ để cho họ ăn no nê. Đến với Chúa, họ say mê lắng nghe Lời Ngài đến quên cả mệt nhọc, đói khát. Đáp lại,Chúa còn ban cho họ vượt quá lòng mong đợi: Ngài đã cho họ no thoả cả xác với hồn.

Mời Bạn: Quả thật, Chúa đã nói khi đối đầu với ma quỷ trong cơn cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Chúa dạy chúng ta: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ ban thêm cho” (x. Mt 6,33), bởi vì Ngài là Đấng vô cùng nhân hậu, Ngài biết chúng ta cần gì, và ai đặt hy vọng nơi Chúa sẽ không bao giờ phải thất vọng.

Sống Lời Chúa: Trong Năm Thánh này, bạn sống tinh thần hy vọng của Tin Mừng, đó là luôn vững lòng trông cậy nơi Chúa, hành hương và sám hối để canh tân đời sống, đặc biệt nỗ lực “làm việc thiện không sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13).

Cầu nguyện: Đọc Kinh Năm Thánh.

14/02 – Thứ Sáu tuần 5 thường niên. – Thánh Syrilô, đan sĩ và thánh Mêtôđiô, giám mục. Lễ nhớ.

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Lời Chúa: Mc 7, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh.

Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả.

Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Suy niệm: Người điếc thì không thể nghe, người câm thì không nói được. Người vừa điếc vừa ngọng này bị trói buộc, bị cách ly không thể tương giao với người khác. Để giúp anh nối lại mối tương quan bị đoạn tuyệt đó, anh may mắn được nhiều người trợ giúp đưa đến với Đức Giê-su; và Ngài đã thực hiện một loạt dấu chỉ để chữa lành anh: Ngài đưa anh ra khỏi đám đông để anh ở một mình với Ngài và đụng chạm đến tai, đến lưỡi anh. Cuối cùng nhờ lời Ngài nói: “Ép-pha-ta, [nghĩa là: hãy mở ra]”, tai anh mở ra, lưỡi anh hết bị buộc lại, anh nói được rõ ràng (x. Mc 7,32-35).

Bạn có biết, bệnh câm thường là hậu quả của bệnh điếc: một đứa trẻ vì tai điếc nên nó không biết nói hoặc nói một cách khó khăn, ngọng nghịu. Chỉ khi ta mở tai để nghe được Lời Chúa, lúc đó miệng lưỡi ta mới có thể mở ra để ca tụng tôn vinh Chúa, và làm chứng về Ngài. Trong Năm Thánh này, Hội Thánh mời gọi chúng ta không bao giờ thất vọng vì sự bất hạnh hay tội lỗi của chúng ta, nhưng đến gặp gỡ Đức Giê-su cách cá vị và cùng bước đi với Ngài trên con đường hy vọng “để tôn Ngài là Chúa ngự trị trong lòng bạn và sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của bạn” (x. 1Pr 3,15).

Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và kiên trì làm chứng về Ngài mọi ngày trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã lãng phí thời gian cho những thông tin vô bổ hay những câu chuyện tầm phào, và giả điếc làm ngơ trước lời yêu thương của Chúa. Xin cho con luôn khao khát đến với Chúa và tìm thấy nơi Lời Chúa nguồn ánh sáng soi đường cho con.