Vatican – Khi một số quốc gia tuyên bố tạm đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự giữa cơn đại dịch, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích và cười cợt vang lên. Nhiều người không hiểu tại sao phải đến nỗi đình chỉ Thánh Lễ. Họ đặt câu hỏi: Chẳng phải khi con người hãi sợ và hoang mang là lúc họ cần đến Chúa và Thánh Lễ nhất đó sao ? Đình chỉ Thánh Lễ phải chăng chỉ là dấu chỉ của sự nhượng bộ vì sợ hãi ? Chẳng phải đó là dấu hiệu của việc thiếu tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa ? Có người còn nhìn việc không dám cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch như là dấu chỉ thất bại của niềm tin tôn giáo trước biến cố tai hoạ và đau khổ của nhân loại. Một số người nối kết chuyện các Giáo Phận tự ý đóng cửa nhà thờ với việc cấm đạo ở những nước độc tài. Nhiều người quá khích còn diễn dịch xa hơn khi cho rằng việc đình chỉ Thánh Lễ bị là quyết định của Satan đang hoạt động trong Giáo Hội…

Hẳn đây phải là tiếng nói của những người giàu lòng đạo đức. Hơn nữa, có thể những tiếng nói này đều xuất phát từ ý tốt, từ lòng yêu mến Giáo Hội và yêu mến Thánh Lễ. Tuy nhiên, cần đủ bình tâm hơn để suy xét lại những tình cảm đạo đức ấy thì mới có thể có một cái nhìn quân bình và thiêng liêng thật sự. Bằng không, lòng tin theo cảm tính luôn có nguy cơ dẫn người ta đi sai đường.

Cử hành Thánh Lễ theo một cách khác

Thánh Lễ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa với tư cách là một cộng đoàn. Nói cách khác, Thánh Lễ không chỉ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, mà còn là nơi con người gặp gỡ nhau. Chiều kích cộng đoàn và yếu tố con người quan trọng đến độ nếu không giải quyết được những khúc mắc từ yếu tố con người, rất khó để chúng ta có thể dâng Lễ lên trước tôn nhan Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đức Giê-su có lần dạy rằng nếu một người muốn dâng lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa, mà chợt nhớ ra mình còn có chuyện bất hoà với người anh em của mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em, rồi trở lại dâng lễ vật của mình cho Thiên Chúa (x. Mt 5,23-24). Lời dạy của Đức Giê-su không có nghĩa là việc dâng lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa không quan trọng, nhưng việc ấy vẫn có thể tạm hoãn lại, cho đến khi những khúc mắc từ phía con người được giải quyết.

Khúc mắc mà cả thế giới đang phải đối mặt bây giờ là chuyện lây nhiễm theo cấp số nhân của bệnh dịch. Khi hội họp đông người trong một không gian hẹp, nguy cơ bệnh dịch bị lan truyền và nhân rộng là điều không ai có thể phủ nhận. Giáo Hội Công Giáo luôn xác tín rằng Thánh Lễ là tâm điểm trong đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu. Nhưng Giáo Hội chưa bao giờ dạy rằng Thánh Lễ là một cử hành phép thuật có khả năng giúp con người miễn nhiễm khỏi bệnh dịch. Nhà thờ cũng không phải là nơi bất khả xâm phạm đối với virus. Thế nên trong hoàn cảnh hiện tại, cần phải lắng nghe tiếng nói của những người có chuyên môn hơn là chỉ hành động theo cảm tính đạo đức. Tinh thần trách nhiệm và cảm thức về sự liên đới không cho phép chúng ta nhắm mắt làm ngơ như thể không có chuyện gì xảy ra. Như thế, ở những nơi xảy ra bệnh dịch, tạm đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự là một quyết định đúng đắn và khôn ngoan.

Dẫu vậy, cần phải minh định rằng ở đây không phải là không cử hành Thánh Lễ mà là Thánh Lễ được cử hành theo một cách khác. Trong hoàn cảnh bất khả kháng, người tham dự Thánh Lễ không thể họp nhau thành một cộng đoàn đông đúc tại nhà thờ, nhưng vẫn có thể hiệp thông để theo dõi và tham dự Thánh Lễ qua các phương tiện truyền thông. Không nên quên rằng đây thật ra là cách tham dự Thánh Lễ thường xuyên của các bệnh nhân, những người già, hay những người bại liệt. Họ là những người không đến nhà thờ được vì lý do sức khoẻ, và phải tham dự Thánh Lễ từ xa. Không ai nói rằng họ “mất Thánh Lễ”, hoặc họ tham dự Thánh Lễ như thế là không xứng đáng trong hoàn cảnh của họ. Vì vậy, ở những vùng tâm điểm của dịch bệnh, khi mọi người bị cách ly và việc cử hành Thánh Lễ bị tạm đình chỉ, đây là thời điểm đặc biệt mà cả những người “khoẻ mạnh” cũng được mời gọi thông phần tham dự Thánh Lễ từ xa. Đây là cách hiệp thông hữu hiệu để cầu nguyện cho mình và cho cả thế giới. Đây cũng là cách các Kitô hữu cộng tác hữu hiệu với những người có trách nhiệm trong vệc đề phòng bệnh dịch lây lan, tránh gây thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tín thác hay thử thách ?

Dĩ nhiên, vẫn có nhiều người đạo đức muốn được tham dự Thánh Lễ một cách trực tiếp và bình thường. Họ có lo sợ, nhưng vẫn sẵn sàng đến tham dự Thánh Lễ đông người và cho rằng như thế mới là hết lòng đặt trọn niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng. Nếu những người này còn được sống trong vùng đảm bảo an toàn thì không sao. Nhưng nếu chung quanh mọi người đều đang phải cố gắng làm hết sức có thể để cách ly, để hạn chế đi lại và tiếp xúc, để không làm bệnh dịch lây lan… thì việc “tuyên xưng đức tin” theo lòng đạo đức thái quá sẽ là rất sai lầm. Đó không phải là tín thác. Đúng hơn, đó là thử thách Thiên Chúa.

Tin Mừng của ngày Chúa nhật I Mùa Chay kể lại việc Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Thánh Mát-thêu kể rằng trong cơn cám dỗ (Lc 4,9-12) quỷ đưa Đức Giê-su lên nóc cao của Đền Thờ, nghĩa là dồn Người vào chốn nguy hiểm, rồi thách Người nhảy xuống. Lý luận của ma quỷ là thế này: phải tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa sẽ sai thiên thần của Người gìn giữ, nâng đỡ và không để cho kẻ tín thác vào Người bị tổn hại gì. Đức Giê-su đương nhiên không chiều theo lối thách thức đầy ngạo mạn như thế. Đây là câu trả lời của Người: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12).

Rất nhiều người hiểu sai lầm về sự quan phòng của Thiên Chúa, cứ cho rằng Chúa quan phòng theo kiểu sẵn sàng ra tay thực hiện phép lạ để cứu những người đang gặp nguy hiểm. Đương nhiên, Thiên Chúa quan phòng là điều những người có đức tin không thể chối cãi. Nhưng quan phòng không có nghĩa là Thiên Chúa phải làm tất cả, và con người không cần làm gì. Biết có nguy hiểm mà người ta vẫn cố chấp lao đầu vào nguy hiểm, thì sự cố chấp ấy không thể nhân danh niềm tin vào sự quan phòng. Một cách cụ thể, trong thời gian này, sự quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện qua hướng dẫn của những người có chuyên môn, qua lời khuyên và chỉ dẫn của những người có thẩm quyền. Một người tín thác vào Thiên Chúa là người biết cộng tác với những hướng dẫn thiết thực ấy để không trở nên sai lầm vì chủ quan hoặc vì đạo đức cuồng tín. Sau khi đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình, lúc đó con người mới có thể bình an đặt trọn vẹn mọi sự vào trong bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ

Khôn ngoan theo truyền thống Kinh Thánh dạy rằng con người không được nại vào Danh Thiên Chúa để giải quyết chuyện của con người. “Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng” (Xh 20:7, Đnl 5:11). Con người không được nại vào Thiên Chúa để chạy trốn và chối bỏ trách nhiệm của mình. Có những người rất dễ kéo Chúa vào để đổ lỗi cho bất cứ chuyện gì. Cả khi chính mình là người sai lầm và gây ra hậu quả, họ vẫn trách Chúa tại sao không quan phòng phù trợ. Đó là dấu chỉ của những đức tin và lòng đạo đức chưa trưởng thành: giống như con nít, hay hờn dỗi và thích đổ lỗi, chứ không biết nhận trách nhiệm về mình.

Trong thời gian qua, để trấn an nhau, người ta chuyền nhau bức hình Chúa Giê-su với dòng chữ: “Đừng lo bị nhiễm Virus Corona, vì đã có Chúa ở cùng”. Cần phải trấn an nhau để tránh tâm lý hoảng loạn là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu không khéo, điều người ta đang làm không phải là trấn an mà là dùng niềm tin sai lầm và lòng đạo đức thái quá để ru ngủ nhau. Nói rằng mình có Chúa ở cùng nên không sợ bị nhiễm virus, vậy phải giải thích thế nào với những người đã bị nhiễm virus ? Chúa không ở cùng họ hay sao ? Có Chúa – không lo bị nhiễm virus, là một công thức rất trẻ con, vừa phản khoa học vừa phản đức tin. Đừng nại vào Danh Chúa một cách bất xứng như thế!

Cha Anthony de Mello kể lại một câu chuyện ngắn như sau. Có một chàng trai trẻ tìm đến với một nhà thông thái để xin học về Thiên Chúa. Chàng trai bước vào căn lều của nhà thông thái và thưa:

– Thưa thầy, con là người tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Để chứng minh điều đó, con đã để con lừa của con bên ngoài mà không cần phải cột dây lại, dù con biết ở đây có nhiều kẻ trộm cắp. Con tin Chúa quan phòng sẽ giúp giữ con lừa của con.

Nhà thông thái ngước mắt lên nhìn chàng trai rồi hỏi:

– Này con, từ bao giờ mà Thiên Chúa bị biến thành kẻ giữ lừa cho con thế ?

Này bạn là người đạo đức thái quá và cuồng tín, từ bao giờ Thiên Chúa bị giản lược thành tấm bùa hộ mệnh chống virus cho bạn thế ?

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

WGPSG / NCREGISTER — Thuốc giải độc duy nhất cho nỗi sợ hãi là niềm tin, và cách chắc chắn nhất để xây dựng và củng cố niềm tin là cầu nguyện.

Người ta thường nói rằng với Chúa, không có gì thực sự là trùng hợp cách ngẫu nhiên. Cũng thế, sự bùng nổ đại dịch Covid-19 toàn cầu diễn ra cùng lúc với việc cử hành Tuần Thánh năm nay sẽ khiến cho nhiều người Công giáo phải suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của sự trùng hợp bất ngờ giữa hai sự kiện này.

Cũng dễ hiểu khi phản ứng ban đầu của người Công giáo Hoa Kỳ được định hình bởi tràn ngập những hình ảnh quấy động của con virus corona thống trị trên các bản tin và mạng xã hội của các nước khác trong nhiều tuần lễ.

Hình ảnh đáng sợ này bây giờ gắn liền với các trải nghiệm trực tiếp về các ca lây nhiễm ở đây, các kệ hàng trống không ở siêu thị và việc không ngừng gia tăng lệnh ngưng hoạt động hàng loạt các sự kiện cộng đồng và nơi làm việc – bao gồm cả việc hủy bỏ các Thánh lễ cộng đồng trên gần hết đất nước – tất cả được áp dụng để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Bức ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô đứng trước Quảng trường Thánh Phêrô hoang vắng, được đăng trên trang nhất của tờ Register, có thể được xem là một ví dụ điển hình gợi lên cho thấy tình hình hiện nay não nề đến mức nào.

Nhưng, nếu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, quả là lạnh lẽo khi phép lành của Đức Giáo hoàng Phanxicô – ban phước cho thành Roma mà lại không có một bóng người hiện diện trước mặt ngài, thì điều này cũng lại đem đến sự an ủi lạ thường. Lời cầu nguyện vẫn vang lên. Thiên Chúa vẫn ở cùng chúng ta.

Niềm hy vọng của Kitô hữu luôn đặt ở nơi Chúa, nhưng như ta nhớ lại trong suốt Tuần Thánh, niềm hy vọng này đã không nảy sinh trong bối cảnh thư thái và an toàn. Nó nảy sinh từ cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã chuộc chúng ta bằng những đau khổ tột cùng nơi cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá tại đồi Gôngôtha, bị bỏ rơi và gần như hoàn toàn cô độc.

Nhưng từ những điều giống như thảm họa, đã đâm chồi vinh quang Phục Sinh, và đây là lý do khiến ta hy vọng ngay lúc này và cả mai sau.

Niềm hy vọng này không bao giờ có thể bị lung lay bởi bất kỳ căn bệnh thể lý nào, ngay cả dịch bệnh covid-19 nghiêm trọng hiện nay. Là tín hữu, trách nhiệm đặc biệt của chúng ta là biểu lộ niềm hy vọng này cho nhiều người khác trong một xã hội đang bị tục hóa – là những người thiếu niềm tin, có thể bị cuốn vào nỗi tuyệt vọng do sự lây lan của con virus corona gây ra.

Nhưng bởi vì niềm hy vọng chỉ là một trong ba nhân đức đối thần của Kitô giáo, nên các giáo sĩ và giáo dân Công giáo đều được mời gọi phục vụ như là những ngọn đèn của đức ái và đức tin để đối mặt với cuộc khủng hoảng virus corona.

Quả thật, việc làm chứng như thế đã được thể hiện vô số lần trước đây trong đời sống 2000 năm qua của Giáo hội, qua tấm gương thuyết phục của những người Công giáo như Thánh Carôlô Bôrômêô, khi đối diện với một dịch bệnh chết người bao trùm Tổng giáo phận Milan của ngài vào thế kỷ 16, ngài đã từ chối chạy trốn khỏi thành phố theo sự hướng dẫn của chính quyền dân sự. Thay vì làm như thế, Đức Hồng y Bôrômêô đã can đảm ở lại để chăn dắt đàn chiên của mình, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Trong đề tài này của tờ Register, có những bài phóng sự kể về việc người Công giáo Hoa Kỳ đang phục vụ anh chị em túng quẫn của mình.

Về mặt hỗ trợ từ thiện, các giáo phận và giáo xứ, các cơ quan Công giáo và các dòng tu đang phối hợp một loạt các sáng kiến để tiến hành giúp đỡ. Các bác sĩ, y tá, giáo sĩ, nữ tu và các nhân viên tiền tuyến Công giáo khác cũng đang nỗ lực cách anh dũng, ngay cả khi gặp rủi ro về tính mạng, để chăm sóc cho những người bị virus tấn công mạnh nhất.

Từng người Công giáo cũng có thể thực hiện vai trò của mình, qua hai cách, gián tiếp bằng cách đóng góp tiền của hỗ trợ cho những nỗ lực trên, và trực tiếp là đến giúp những người lân cận đang khốn khổ để hỗ trợ họ bất cứ khi nào có thể được.

Tuy nhiên, có lẽ sự trợ giúp lớn hơn cả chính là hỗ trợ về mặt đức tin. Vào một thời điểm khủng hoảng khác của đất nước, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã nổi tiếng với nhận định, “Điều duy nhất chúng ta phải sợ, đó là sợ chính nỗi sợ của mình.”

Khi nói chuyện với cả nước trong thời kỳ tăm tối của cuộc Đại Khủng hoảng, ngài Roosevelt đã không gạt bỏ những nỗi lo sợ chính đáng mà hầu hết người Mỹ sau đó đều chia sẻ về tương lai kinh tế của họ.

Thay vào đó, ông đã chỉ ra rằng những nỗi sợ cụ thể có thể được giải quyết theo một số cách, chẳng hạn như đưa ra các chính sách chung hợp lý và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Điều cần phải vượt qua chính là những thứ khiến cho người ta tê liệt bởi nỗi tuyệt vọng tràn ngập và phổ biến, khiến người ta không còn hy vọng và do đó cướp đi tinh thần cần có để có thể quy tụ lại mà đối phó với nghịch cảnh.

Thuốc giải độc duy nhất cho nỗi sợ hãi là niềm tin, và cách chắc chắn nhất để xây dựng và củng cố niềm tin là cầu nguyện. Người Công giáo biết rằng hình thức cầu nguyện cao quý nhất là cử hành Bí tích Thánh Thể, vì đây “là cội nguồn và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu”, theo Công đồng Vaticanô II.

Với các Thánh lễ cộng đồng bị đình chỉ ở rất nhiều nơi và nhiều tín hữu không thể đến dự lễ ngay cả ở những nơi Thánh lễ chưa bị đình chỉ, vấn đề này đã được trang Register đưa ra cái nhìn sâu sắc về những gì có thể được thực hiện để những lời cầu nguyện của chúng ta đạt được hiệu quả tối đa trong tình cảnh lúc này. Những phương thế ấy bao gồm việc xem Thánh lễ qua truyền hình, thường xuyên rước lễ thiêng liêng, củng cố Giáo hội tại gia, thông qua các công cụ như lần chuỗi Mân côi và đọc kinh Phụng vụ trong gia đình, và ngay cả tham gia các buổi cầu nguyện cộng đồng bên ngoài bệnh viện hoặc ngoài trời để hỗ trợ các bệnh nhân và cư dân đang trong trình trạng cách ly tại những nơi này.

Cuộc phỏng vấn Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đã giải thích cách hùng hồn rằng, ngay cả khi sự lây lan của virus corona đã buộc phải đóng cửa đền thánh, nhưng nơi đây vẫn là “lá phổi cầu nguyện của thế giới”, khi nơi này vẫn nài xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria trong thời gian đau khổ và nguy hiểm này.

Gần 2000 năm trước đây, Chúa Giêsu đã vào thành Jerusalem lần cuối cùng trong Tuần Thánh, để vác lấy cây thập giá thay cho toàn thể nhân loại. Gần hết chặng đường thương khó, khi sức lực trần gian của Chúa cạn kiệt, ông Simon thành Cyrinê đã bước tới để giúp Ngài một vai mang lấy sức nặng của thập giá cứu độ.

Ngày nay, khi thập giá virus corona đang đè nặng trên nhiều người bằng nhiều cách khác nhau, gây đau đớn cho cả Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, thì bây giờ đến lượt mình, chúng ta cố gắng phục vụ như ông Simon thành Cyrinê ngày xưa, bằng cách mang niềm tin, hy vọng và tình yêu của Chúa Giêsu trao tặng cho người khác trong thời điểm đầy thử thách này.

BBT Ncregister / Trần Hùng chuyển ngữ
Nguồn: Tổng giáo phận Sài Gòn

Vatican – Đức Thánh Cha sẽ ban Phép Lành “Urbi et Orbi”, phép lành chỉ được ban vào những dịp đặc biệt, trong buổi cầu nguyện lúc 18 giờ thứ Sáu ngày 27/03, để chúc lành đặc biệt cho các tín hữu và toàn thế giới giữa cơn đại dịch. Đức Thánh Cha cũng mời mọi Kitô hữu cùng đọc kinh Lạy Cha vào trưa thứ Tư 25/03. Đức Thánh Cha mời gọi đối phó với đại dịch bằng lời cầu nguyện phổ quát.

Cùng cầu nguyện, đọc Kinh Lạy Cha vào 12 giờ trưa thứ Tư 25/03

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện, đọc kinh Lạy Cha vào lúc 12 giờ trưa thứ Tư 25/03, lễ Truyền Tin. Đức Thánh Cha nói:

“Trong những ngày thử thách này, trong khi nhân loại run sợ vì mối đe dọa của đại dịch, tôi muốn đề nghị tất cả Kitô hữu, tất cả đồng thanh dâng lời khẩn nguyện lên Thiên quốc. Tôi mời gọi tất cả các vị lãnh đạo các Giáo hội của các hệ phái đức tin khác nhau, khẩn cầu Đấng Tối Cao, Thiên Chúa toàn năng, bằng cách đồng thời cùng nhau cầu nguyện đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày thứ Tư 25/03 tới đây. Trong ngày rất nhiều Kitô hữu nhớ đến lời loan báo với Đức Trinh nữ Maria về sự Nhập thể của Ngôi Lời, cầu xin Chúa có thể lắng nghe lời nguyện cầu hiệp nhất của tất cả môn đệ của Ngài đang chuẩn bị cử hành sự chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.”

Đức Thánh Cha ban phép lành Urbi et Orbi lúc 18 giờ ngày 27/03

Đức Thánh Cha cũng thông báo tiếp: “Cũng cùng ý nguyện này, thứ Sáu ngày 27/03, vào lúc 18 giờ, tôi sẽ chủ sự buổi cầu nguyện tại thềm đền thờ thánh Phêrô, trong quảng trường trống vắng. Ngay từ bây giờ, tôi mời gọi tất cả hãy tham dự cách thiêng liêng qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta sẽ dâng lời khấn nguyện, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, và vào cuối buổi cầu nguyện, tôi sẽ ban Phép lành Urbi et Orbi – cho thành Roma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá.

Theo truyền thống Giáo hội, trong những dịp trọng đại, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành Urbi et Orbi (cho thành Roma và toàn thế giới). Trong năm, có hai dịp Đức Thánh Cha ban phép lành Urbi et Orbi là Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh lúc 12 giờ trưa giờ Roma. Trong hoàn cảnh nguy cấp của đại dịch, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa cho các tín hữu và toàn thế giới, nên ngài ban phép lành đặc biệt này cho mọi người.

Gần gũi với tất cả mọi người

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi với mọi người. Ngài nói: “Chúng ta muốn đối phó với đại dịch virus bằng lời cầu nguyện phổ quát, bằng sự cảm thông, hiền diu. Chúng ta hãy tiếp tục hiệp nhất.

Chúng ta hãy tỏ cho những người cô đơn và bị thử thách nhất cảm thấy sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta gần gũi với các bác sĩ, các nhân viên y tế, các y tá, các tình nguyện viên… Chúng ta gần gũi với chính quyền, những người phải đưa ra các biện pháp cứng rắn nhưng vì thiện ích của chúng ta. Chúng ta gần gũi với các cảnh sát, các quân nhâ, những người ở trên đường phố để đuy trì trật tự, bởi vì họ phải thi hành những điều chính quyền yêu cầu vì ích lợi của tất cả chúng ta.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Tòa, nơi ngài thường đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu khi đại dịch chưa xảy ra, nhìn xuống quảng trường thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng, và ngài đã ban phép lành.

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican

WGPSG – Đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi mọi sinh hoạt xã hội mà còn làm thay đổi nhiều sinh hoạt tôn giáo.

ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Tuần Thánh và lễ Phục sinh mà không có giáo dân tham dự

Theo truyền thống, chương trình Tuần Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá tại quảng trường thánh Phêrô. Sau đó, ĐTC sẽ chủ sự Thánh lễ truyền Dầu, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể tại đấu trường Colosseo. Đêm thứ Bảy, ngài chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại đền thờ. Sáng Chúa Nhật, ngài cử hành Thánh lễ Phục Sinh tại quảng trường thánh Phê rô. Cuối cùng, ĐTC sẽ công bố sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành truyền thống “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật Phục Sinh, tại ban công chính giữa trước đền thờ thánh Phêrô.

Tuy nhiên, năm nay, do đại dịch Covid-19, tất cả các nghi lễ phụng vụ của Tuần Thánh sẽ được cử hành mà không có sự hiện diện của nhiều tín hữu, nhưng sẽ được truyền hình trực tuyến. Tòa Thánh đang nghiên cứu cách thức cử hành và tham dự các nghi lễ trong sự tôn trọng các biện pháp tránh lây nhiễm. (x. Vatican News)

Hà Lan sẽ không trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô vào lễ Phục sinh năm nay

Hơn 35 năm qua, quảng trường thánh Phêrô ở Vatican đã được Hà Lan – một trong những trung tâm cung cấp hoa lớn nhất thế giới – trang trí lộng lẫy với nhiều sắc hoa rực rỡ. Tuy nhiên, do sự lây nhiễm virus corona ở Ý rất nghiêm trọng, nên năm nay – cũng là lần đầu tiên – Hà Lan sẽ không tặng hoa và trang trí quảng trường thánh Phêrô trong dịp lễ Phục Sinh sắp tới. (x. Vatican News)

Lần đầu tiên đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức phải đóng cửa

Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình hôm 16/03, Tổng thống Emmanuel của Pháp đã cho biết, hơn 5.000 người nước này đã nhiễm virus Corona, trong đó hơn 100 người đã tử vong. Các trường học, cửa tiệm, nhà hàng, quán bar ở nước này đã đóng cửa như tại Ý.

Do đó, Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức cũng phải đóng cửa để tránh lây nhiễm virus corona. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đóng cửa. Tuy nhiên, 30 linh mục tuyên úy của đền thánh vẫn ở lại và thay nhau cầu đặc biệt cho thế giới trong đại dịch Covid – 19, tại Hang đá Đức Mẹ. (theo CNA)

Các nữ tu dòng kín Đaminh Thụy Sĩ lần đầu tham dự Thánh lễ trực tuyến

Do lo ngại các linh mục có thể bị nhiễm virus corona khi đến dâng Thánh lễ, đan viện các nữ tu Đaminh cổ xưa nhất ở Thụy Sĩ đã đình chỉ các Thánh lễ. Đây là lần  trong lịch sử của cộng đoàn, các nữ tu tham dự Thánh lễ trực tuyến.

Sơ Dominique cho biết: Các nữ tu đã cầu nguyện dưới chân Thánh Thể để cầu nguyện cho thế giới và tất cả mọi thành phần xã hội. Sơ cũng nhận định rằng, đây là một cơ hội để con người khám phá sự tự do nội tâm của mình qua những hạn chế. “Khi người ta muốn đến với Chúa, các bức tường của những ngôi nhà không phải là cản trở”. (x. Vatican News)

Nguồn: Tổng giáo phận Sài Gòn

WGPSG — ĐTC Phanxicô và Giáo hội tại Ý đã đưa ra các sáng kiến mục vụ vì lợi ích đức tin của cộng đoàn dân Chúa trong đại dịch Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát rất nhanh ở nước Ý và làm cho quốc gia này trở thành nước thứ hai sau Trung Quốc có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Trong nỗ lực ngăn chận virus lây lan, toàn bộ nước Ý đã được đặt dưới lệnh phong tỏa từ ngày 10-3 kéo dài đến ngày 3-4. (x. Forbes)

Cùng một đường hướng ấy, Giáo phận Roma cũng đã ban hành chỉ thị riêng, tuyên bố đóng cửa tất cả các nhà thờ. Tuy nhiên, sáng thứ Sáu 13-3-2020, trong Thánh lễ cử hành tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các mục tử khi đưa ra các biện pháp không để Dân Chúa bị cô lập. Vì thế, với sự đồng ý của ĐTC Phanxicô, Đức Hồng y Angelo De Donatis – giám quản giáo phận Roma – đã đưa ra sắc lệnh mới, cho phép “các nhà thờ giáo xứ và các trụ sở truyền giáo được mở cửa” để ai muốn thì cũng có thể vào cầu nguyện cách riêng tư. Đức Hồng y giám quản giải thích, trong cơn đại dịch, Giáo hội không chỉ chú trọng lợi ích dân sự, mà còn đặc biệt chú trọng đến lợi ích đức tin của mọi tín hữu. Ngài cũng kêu gọi các linh mục khôn ngoan phân định bằng cách đồng hành, giúp tín hữu hiểu rằng, Giáo hội không đóng cửa với bất cứ ai, nhưng quan tâm để không ai gặp nguy hiểm về sự sống hay bị quên lãng. (x. Vatican News)

Trước đó, khi lệnh đóng cửa các nhà thờ được ban hành, các Giám mục và linh mục Ý đã đưa ra nhiều sáng kiến mục vụ để có thể nâng đỡ đời sống đức tin của mọi thành phần dân Chúa. Cụ thể, Hội đồng Giám mục Ý đã thiết lập trang web “Chi ci separerà (Ai có thể tách chúng ta)”. Nội dung của trang web bao gồm tất cả các thông cáo báo chí của Hội đồng Giám mục Ý về tình trạng khẩn cấp do virus corona, các hoạt động của Caritas và các sáng kiến của các giáo phận Ý. Trên trang này cũng có sẵn cho những giây phút cầu nguyện cá nhân. (x. https://chiciseparera.chiesacattolica.it/)

(Đức tổng giám mục Delpini của Milan cầu nguyện trên sân thượng của nhà thờ chính tòa khi nhà thờ đóng cửa) 

Bên cạnh đó, nhiều linh mục Ý đã cử hành Thánh lễ và livestream trên các mạng xã hội như Instagram, Facebook, Telegram để các tín hữu tham dự, lập kênh Youtube phát trực tiếp các bài giảng và giáo lý, cho giáo dân rước lễ cả ngày để tránh tình trạng tập họp đông người, kiệu Mình Thánh Chúa để dân chúng có thể cầu nguyện từ cửa sổ nhà, … (x. Vatican News)

Tại Châu Âu, Đức Hồng y Angelo Bagnasco – chủ tịch HĐGM Châu Âu (CCEE) – và Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich Hollerich – chủ tịch Liên HĐGM châu Âu (COMECE) – đã cho phổ biến lời cầu nguyện chung. Đó là lời nguyện khẩn nài Thiên Chúa trợ giúp, an ủi và cứu rỗi nhân loại trước thời khắc khó khăn của đại dịch virus corona. (x. COMECE)

Nguồn: TGP Sài Gòn

WGPSG – Cầu nguyện là ‘linh dược’ trong đại dịch Covid-19.

Chiều 11-3 (tức tối khuya cùng ngày, giờ Việt Nam), từ Thụy Sĩ, các lãnh đạo của WHO chính thức tuyên bố dịch bệnh hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) là đại dịch toàn cầu.

Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây nhiễm hơn 120.000 người khắp thế giới (trong đó hơn 80.000 người ở Trung Quốc) và hơn 4.000 người tử vong (hơn 3.000 người tử vong ở Trung Quốc).

Ông Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Trong hai tuần gần đây, số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3. Trong những ngày và tuần sắp tới, chúng tôi cho rằng số lượng ca nhiễm, ca tử vong và các quốc gia chịu ảnh hưởng sẽ thậm chí tăng cao hơn”. (Tuổi Trẻ)

Trong những ngày vừa qua, ĐTC Phanxicô, các giáo sĩ và toàn thể Kitô hữu trên toàn thế giới đắm mình trong lời cầu nguyện để xin Chúa thương chữa lành những người nhiễm bệnh và cho nạn dịch mau chấm dứt.

Trong một sứ điệp video, Đức Thánh Cha phó thác “thành phố Roma, nước Ý và thế giới cho sự bảo vệ che chở của Mẹ Thiên Chúa, như dấu chỉ của ơn cứu độ và hy vọng.” Ngài xin Đức Mẹ bảo vệ Roma, nước Ý và thế giới khỏi đại dịch Convid-19. (x. Vatican News)

Tại Philippines, Đức Giám mục Clausillo khuyến khích tất cả mọi người tăng cường cầu nguyện để Thiên Chúa bảo vệ và can thiệp. Ngài khẳng định, đức tin có thể ngăn chặn sự ác lan tràn. (x.Vatican News)

Đức Hồng y Turkson cũng khẳng định: “Cầu nguyện là sức mạnh của chúng ta, cầu nguyện là nguồn sinh lực của chúng ta”. Ngài khuyến khích mọi người cầu nguyện, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa , để Chúa chữa lành (x.Vatican News)

Thấy được tầm quan trong của Thánh lễ và lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh, Đức tổng Giám mục Stanisław Gądecki – Ba Lan đã kêu gọi tăng thêm Thánh lễ chứ không đình chỉ. Việc tăng thêm thánh lễ không chỉ giúp nhiều người có cơ hội tham dự Thánh lễ, thêm lời cầu nguyện, mà còn tránh việc các tín hữu tập hợp đông đảo trong nhà thờ. (x.Vatican News)

Chính trong tâm tình đó, tại Ý đã xuất hiện nhiều sáng kiến cầu nguyện như: đọc kinh Mân Côi trên facebook, lập các trang web về cầu nguyện, ý tưởng “buổi sáng của Chúa”, lần chuỗi Mân côi và Kinh Truyền Tin phát trực tiếp trên Vatican News…

Theo Đức Hồng y Giuseppe Petrocchi của Tổng Giáo Phận Aquila cần phải “huy động việc cầu nguyện”, đặc biệt trong các gia đình, để xin Thiên Chúa “giải thoát thế giới khỏi tai họa này”. (x.Vatican News)

Nguồn: TGP Sài Gòn tổng hợp

Lúc 11h30 sáng thứ Hai 24/02 giờ Roma, Đức Thánh Cha đã cho công bố sứ điệp Mùa Chay năm 2020, hai ngày trước thứ Tư Lễ Tro.

“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.” (2Cr 5,20)

Anh chị em thân mến!

Năm nay, một lần nữa, Chúa ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để chuẩn bị cử hành, với trái tim được canh tân, Mầu nhiệm vĩ đại về sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, là mấu chốt đời sống Kitô hữu với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn. Tâm trí chúng ta phải không ngừng trở về với mầu nhiệm này, vì nó không ngừng lớn lên trong chúng ta theo mức độ chúng ta mở lòng ra với sự năng động thiêng liêng của nó và bằng sự đáp trả cách tự do và quảng đại.

1. Mầu nhiệm phục sinh, nền tảng của sự hoán cải

Niềm vui của người Kitô hữu xuất phát từ việc lắng nghe và đón nhận Tin Mừng về sự chết và sống lại của Chúa Giêsu: kerygmaKerygma này tóm gọn mầu nhiệm của một tình yêu “chân thực và cụ thể đến nỗi nó mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan cởi mở và cuộc đối thoại đầy chân thành và hữu hiệu” (Tông huấn Christus vivit, 117). Bất cứ ai tin vào lời loan báo này thì loại bỏ sự dối trá cho rằng sự sống của chúng ta bắt nguồn từ chính chúng ta, trong khi thực tế là nó xuất phát từ tình yêu của Chúa Cha, từ ý muốn của Ngài ban cho chúng ta sự sống tràn đầy (x. Ga 10,20). Ngược lại, nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói dụ dỗ của “cha kẻ dối trá” (x. Ga 8,45), chúng ta có nguy cơ chìm trong vực thẳm vô nghĩa, khi trải nghiệm địa ngục ngay ở đây trên trái đất, như chúng ta chứng kiến nhiều biến cố bi thảm trong kinh nghiệm cá nhân và tập thể của con người.

Trong Mùa Chay năm 2020 này, tôi muốn chia sẻ với mọi Kitô hữu những điều tôi đã viết cho các bạn trẻ trong Tông huấn Christus vivit – Đức Kitô sống: “Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người đổ ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy để cho mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này, các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ” (số 123). Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện của quá khứ; nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó luôn luôn hiện tại và cho phép chúng ta ngắm nhìn và bằng đức tin, chạm vào xác thịt của Chúa Kitô nơi những người đau khổ.

2. Sự cấp thiết hoán cải

Thật tốt khi chiêm ngắm cách sâu sắc hơn mầu nhiệm phục sinh mà qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa được ban cho chúng ta. Thật vậy, kinh nghiệm về lòng thương xót chỉ có thể trong mối tương quan “diện đối diện” với Chúa bị đóng đinh và sống lại, “Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20), trong một cuộc đối thoại chân thành giữa những người bạn. Đó là lý do tại sao lời cầu nguyện rất quan trọng trong thời gian Mùa Chay. Thậm chí còn hơn là một nghĩa vụ, cầu nguyện diễn tả nhu cầu của chúng ta trong việc đáp lại tình yêu Thiên Chúa, vốn luôn đi bước trước và trợ giúp chúng ta. Kitô hữu cầu nguyện với ý thức rằng, dù không xứng đáng, chúng ta vẫn được yêu thương. Lời cầu nguyện có thể thực hiện dưới những hình thức khác nhau, nhưng điều thật sự có giá trị trong mắt Thiên Chúa chính là điều ẩn sâu bên trong chúng ta, bào mỏng sự cứng lòng của chúng ta, để hoán cải chúng ta quay về với Thiên Chúa và với thánh ý Ngài hoàn toàn hơn.

Do đó, trong thời gian thuận tiện này, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn như Israel trong xa mạc (Hs 2,16), để cuối cùng chúng ta có thể nghe tiếng nói của vị Hôn phu của chúng ta và để nó vang vọng sâu sắc hơn trong chúng ta. Càng gắn bó với Lời Ngài, chúng ta càng cảm nghiệm hơn lòng thương xót Ngài ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta đừng để cho thời gian ân sủng này trôi qua cách vô ích, trong ảo tưởng khờ dại rằng chúng ta có thể kiểm soát thời gian và cách thế chúng ta hoán cải trở về với Ngài.

3. Ý muốn mãnh liệt của Thiên Chúa đối thoại với con cái Ngài

Việc Chúa một lần nữa cho chúng ta thời gian thuận tiện để hoán cải không bao giờ được xem là điều hiển nhiên. Cơ hội mới này phải khơi dậy nơi chúng ta ý thức biết ơn và đánh thức chúng ta từ sự mê ngủ của mình. Mặc dù đôi khi có sự hiện diện bi thảm của sự ác trong cuộc sống chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội này được ban để chúng ta thay đổi cuộc sống cho thấy ý muốn nhân hậu của Thiên Chúa, không cắt ngang cuộc đối thoại cứu độ với chúng ta. Trong Chúa Kitô chịu đóng đinh, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21), ý muốn cứu độ này đã khiến Chúa Cha đổ xuống trên Con của Ngài tất cả tội lỗi chúng ta, như cách diễn tả của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI: “đặt Thiên Chúa chống lại Thiên Chúa”, (x. Deus caritas est, 12). Vì Thiên Chúa cũng yêu thương kẻ thù của Ngài (x. Mt 5,43-48).

Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi chúng ta qua mầu nhiệm Vượt qua của Con Ngài không giống như điều đã xảy ra với cư dân thành Athens, những người “chỉ để thời giờ bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất. (Cv 17,21). Việc tán gẫu như vậy, được lôi kéo bởi sự tò mò trống rỗng và hời hợt, là đặc trưng cho tính thế gian của mọi thời đại; trong thời đại của chúng ta, nó cũng có thể dẫn đến việc sử dụng phương tiện truyền thông không đúng cách.

4. Một sự giàu có để chia sẻ, không để dành riêng cho mình

Đặt mầu nhiệm vượt qua ở trung tâm cuộc sống của chúng ta có nghĩa là cảm thấy trắc ẩn, thương cảm đối với vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh nơi nhiều nạn nhân vô tội của các cuộc chiến tranh, trong các cuộc tấn công vào sự sống, từ sự sống của người chưa được sinh ra đến sự sống của người già và các hình thức bạo lực khác nhau. Chúng cũng có trong các thảm họa môi trường, sự phân phối không đồng đều các tài nguyên của trái đất, nạn buôn người dưới mọi hình thức và ước muốn không cùng về lợi nhuận, một hình thức thờ ngẫu tượng.

Ngày nay cũng cần phải kêu gọi những người nam nữ có thiện chí chia sẻ, bằng cách chia sẻ của cải của họ với những người thiếu thốn, như một cách thế tham gia của cá nhân vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Việc chia sẻ bác ái giúp con người trở nên người hơn, trong khi việc tích trữ có nguy cơ làm xấu đi tính người, bị giam cầm bởi sự ích kỷ của chính mình. Chúng ta có thể và phải đi xa hơn nữa, và xem xét các khía cạnh cấu trúc của kinh tế. Vì lý do này, vào giữa Mùa Chay năm nay, từ 26 đến 28 tháng 3, tôi đã triệu tập một cuộc họp ở Assisi với các nhà kinh tế, doanh nhân trẻ và những người tạo ra thay đổi, với mục đích định hình một nền kinh tế công bằng và bao gồm hơn. Như giáo huấn của Giáo hội thường lặp đi lặp lại, đời sống chính trị đại diện cho một hình thức bác ái trổi vượt (x. Pius XI, Bài nói chuyện với liên đoàn sinh viên Đại học Công giáo Ý, 18 tháng 12 năm 1927). Điều tương tự cũng đúng đối với đời sống kinh tế, là điều có thể được tiếp cận với cùng tinh thần Tin Mừng, đó là tinh thần của các Mối Phúc.

Tôi cầu xin Mẹ Maria chí thánh cầu bầu để việc cử hành Mùa Chay của chúng ta giúp chúng ta mở trái tim để lắng nghe lời Thiên Chúa mời chúng ta hòa giải với Ngài, chiêm ngắm mầu nhiệm phục sinh và được hoán cải trước một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành với Ngài. Bằng cách này, chúng ta sẽ trở nên như Chúa Kitô yêu cầu các môn đệ của Ngài: muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5,13-14).

Phanxicô, Giáo hoàng
Roma, tại Đền thờ thánh Gioan Laterano
Ngày 07/10/2019, lễ Đức Mẹ Mân Côi

Nguồn: TGP Sài Gòn
Theo: Vatican News

WGPSG / CNA — Vào Chúa nhật 26-1-2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặc biệt cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus Corona, là loại virus đã khiến 56 người chết ở Trung Quốc.

Đức Giáo hoàng đã cầu xin khi đọc Kinh Truyền Tin: “Xin Chúa đón nhận những bệnh nhân đã qua đời vào trong cõi an bình; xin an ủi gia đình họ và ban ơn giúp sức cho cộng đồng Trung Quốc đang hết sức nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh.”

Bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, virus này đã lan ra 9 quốc gia với 1.975 trường hợp được xác nhận.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 25-1-2010 tuyên bố rằng, trong số các trường hợp được xác nhận, có tới 237 người được báo cáo là bị bệnh nặng.

Số người nhiễm virus Corona đã tăng thêm 655 trường hợp trong 24 giờ kể từ khi báo cáo này của WHO được phát hành – chính phủ Trung Quốc đã báo cáo như thế vào ngày 26-1-2020, một ngày sau Tết Nguyên đán. Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm tại Trung Quốc với hàng trăm triệu người đi nghỉ Tết.

Vũ Hán, một thành phố có kích cỡ tương đương với Luân Đôn, đã bị phong tỏa từ ngày 23-1-2020 với những hạn chế trong việc di chuyển bằng xe lửa, máy bay, phà và ô tô. Đại sứ quán Hoa Kỳ đang làm việc để sơ tán tất cả công dân Mỹ ở Vũ Hán.

Một trường hợp thứ ba nhiễm virus Corona ở Hoa Kỳ đã được xác nhận tại California vào ngày 26-1-2020.

Bên ngoài Trung Quốc, các trường hợp nhiễm virus Corona đã được xác nhận tại Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Việt Nam, Nepal và Hoa Kỳ tại Chicago, Seattle và Orange Country. Hiện có những trường hợp đang bị nghi ngờ là nhiễm virus Corona trong số những du khách gần đây từ Trung Quốc đi đến Canada, Bồ Đào Nha và Bờ biển Ngà.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tạ ơn vì Chúa nhật Lời Chúa đầu tiên đã được cử hành trên khắp thế giới vào Chúa nhật thứ III Thường niên.

Đức Giáo hoàng nói: “Chính Tin Mừng là Lời của Chúa Giêsu đã làm thay đổi thế giới và tâm hồn chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi tín thác vào Lời của Chúa Kitô, để mở tâm hồn đón nhận Lòng thương xót của Chúa Cha và để cho bản thân mình được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.”

Đức Giáo hoàng cũng cầu nguyện cho những người bị bệnh phong cùi, và dành một chút thời gian trong im lặng để tưởng niệm nhân kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau. Ngài mời mọi người dành thời gian để cầu nguyện vào ngày kỷ niệm 27-1 này, và nhắc lại trong lòng: “Không bao giờ để xảy ra như thế nữa!”

Virus Corona lần đầu tiên được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 31-12-2019. Các giám mục ở Philippines đã kêu gọi cư dân cảnh giác và nhanh chóng kiểm tra tại bệnh viện nếu họ tin rằng họ đã bị nhiễm bệnh.

Đức cha Ruperto Santos ở Balanga đã phổ biến một lời cầu nguyện đặc biệt để cầu xin Thiên Chúa ngăn chặn sự bùng phát toàn cầu:

“Chúng con cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh virus Corona đang lan tràn trên toàn cầu. Chúng con khẩn khoản nài xin Chúa thể hiện sức mạnh mà chặn đứng sự lây lan nhanh chóng của loại virus chết người này. Xin cho những người đã bị nhiễm bệnh cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Xin ban cho họ niềm hy vọng và sự can đảm và xin Chúa ra tay kỳ diệu chữa lành họ.”

Courtney Mares (CNA) / Vi Hữu chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng ngày 22/01, Đức Thánh Cha đã chúc mừng Năm Mới âm lịch các nước sẽ mừng Năm Mới vào ngày 25/01, trong đó có Việt Nam.

Đức Thánh Cha chào, chúc mừng và cầu nguyện cho các nước sẽ mừng Năm Mới vào ngày 25/1. Ngài nói:

“Ngày 25/01 tới đây, tại vùng Viễn Đông và tại một vài nơi trên thế giới, hàng triệu người nam nữ sẽ mừng Năm Mới âm lịch.

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em. Tôi đặc biệt cầu chúc các gia đình sẽ trở thành nơi giáo dục các đức tính: hiếu khách, khôn ngoan, tôn trọng lẫn nhau; và hòa hợp với công trình sáng tạo.

Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho hòa bình, cho việc đối thoại và đoàn kết giữa các quốc gia. Đó là những món quà mà thế giới ngày nay cần hơn bao giờ hết.”

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt