Vatican – Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp thông với Chúa Giêsu, bánh ban sự sống, qua việc lãnh nhận Thánh Thể, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa.

Chúa Giêsu chính là bánh ban sự sống được trao ban cho chúng ta qua lễ hy sinh của Ngài. Chúng ta được lãnh nhận bánh sự sống đó khi đến với bàn tiệc Thánh Thể, nhờ đó chúng ta được hiệp thông vào sự sống của Chúa Giêsu, tham dự trước Nước Trời, trở nên đồng điệu với Ngài trong các tâm tình cũng như cách hành xử. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp thông với Chúa Giêsu, bánh ban sự sống, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 19 tháng 8, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa. Mở đầu bài huấn dụ, ĐTC nói:

“Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Ga 6,51-58) dẫn chúng ta vào phần thứ hai của bài diễn từ của Chúa Giêsu tại hội đường ở Capharnaum, sau khi đã cho đám đông dân chúng được ăn no từ 5 chiếc bánh và 2 con cá; sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giêsu giới thiệu mình như “bánh hằng sống từ trời xuống”, là bánh ban sự sống đời đời…”

ĐTC cũng nói rõ thêm rằng khi dấu chỉ bánh được chia sẻ cho thấy ý nghĩa thật sự của nó, đó là sự trao ban chính mình làm của lễ hy sinh, thì lại xuất hiện sự không hiểu, lại nổi lên cả sự chối từ chính Đấng mà không lâu trước đó họ muốn tôn phong… “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (câu 52)…

Bánh sự sống là chính Chúa Giêsu được ban tặng qua cái chết hy sinh của Ngài.

Dựa trên lời khẳng định của Chúa Giêsu: ‘Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình’ (câu 53), ĐTC giải thích rằng “thịt và máu trong ngôn ngữ Thánh kinh diễn tả con người cụ thể. Dân chúng và chính các môn đệ nhận ra rằng Chúa Giêsu mời gọi họ hiệp thông với Ngài, mời gọi họ “ăn” Ngài, con người của Ngài, để chia sẻ với Ngài món quà sự sống cho thế gian, hơn là chiến thắng và ảo ảnh của thành công! Chính qua lễ hy sinh Chúa Giêsu ban tặng chính Ngài cho chúng ta.”

Bánh Thánh Thể giải cơn đói khát thiêng liêng

Cũng theo ĐTC: “Bánh sự sống này, bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, được ban tặng nhưng không cho chúng ta trong bàn tiệc Thánh Thể. Ở nơi bàn thờ, chúng ta tìm thấy điều giúp chúng ta không còn đói khát về thiêng liêng, hôm nay và mãi mãi. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, trong một nghĩa nào đó, chúng ta tham dự trước Nước Trời trên trần thế, bởi vì từ lương thực Thánh Thể, Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta học điều gì là sự sống vĩnh cửu. Đó là sống nhờ Chúa, như Chúa nói: “Kẻ ăn Ta sẽ sống nhờ Ta” (câu 57). Thánh Thể tạo hình chúng ta bởi vì chúng ta không chỉ sống cho chính mình, nhưng sống cho Chúa và cho tha nhân. Hạnh phúc trong cuộc sống và cuộc sống vĩnh cửu hệ tại ở việc chúng ta có khả năng làm cho tình yêu Tin Mừng được sinh sôi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể”.

Qua Thánh Thể, hiệp thông với Chúa và tha nhân

ĐTC nhắc các tín hữu: “Hôm nay, như ngày xưa đó, Chúa Giêsu lập lại “nếu các con không ăn thịt và uống máu Con Người, các con không có sự sống nơi các con” (câu 53). Đó không phải là lương thực vật chất, nhưng là bánh sự sống và hằng sống, trao ban chính sự sống của Thiên Chúa. Khi chúng ta rước lễ, chúng ta nhận chính sự sống của Thiên Chúa và để có sự sống này, cần nuôi dưỡng mình bằng Tin Mừng và tình yêu tha nhân. Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu nuôi dưỡng mình bằng chính Mình và Máu Ngài, chúng ta có thể cảm thấy cần tranh luận và chống lại, như những thính giả trong bài Tin Mừng đã làm. Điều này xảy ra khi chúng ta không thể sống theo cách thế của Chúa Giêsu, khi khó phản ứng theo tiêu chuẩn của Ngài, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian. Khi nuôi dưỡng mình bằng lương thực này, chúng ta có thể hoàn toàn trở nên đồng điệu với Chúa Kitô, với các tâm tình cũng như cách hành xử của Ngài. Do đó, hiệp thông với Chúa thật là quan trọng; thật là quan trọng khi tham dự Thánh lễ và rước lễ, bởi vì đó là lãnh nhận Mình Chúa Kitô, lãnh nhận Chúa Kitô, Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong và nhận Chúa Kitô hằng sống, Đấng chuẩn bị chúng ta lãnh nhận Nước Trời”.

Cuối cùng, ĐTC cầu xin Đức Trinh nữ Maria “nâng đỡ ý muốn hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, khi nuôi dưỡng mình với Thánh Thể của Ngài, để đến lượt chúng ta cũng trở thành bánh được bẻ ra cho anh chị em”.

Nguồn: Đài Vatican

Chúa nhật 26 tháng 8 tới đây, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Ai len, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến kính viếng đền thánh Đức Mẹ Knock, nằm ở phía tây bắc của hòn đảo Ai len. Đây là trung tâm kính Đức Mẹ và cũng là điểm hành hương của các tín hữu Ai len. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu tín hữu đến kính viếng đền thánh.

Đức Mẹ hiện ra với 15 tín hữu Ai len

Ngày 21/08/1879, trong khi trời mưa như trút nước tại ngôi làng Knock, thì có 15 người dân làng, tuổi từ 6-75, đã được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra tại ngôi nhà thờ nhỏ đơn sơ của giáo xứ. Họ cũng thấy hai nhân vật khác mà họ tin là thánh Giuse và thánh Gioan thánh sử ở bên cạnh Đức Mẹ. Theo lưu truyền, những người được thị kiến đã cầu nguyện hai tiếng đồng hồ dưới trời mưa mà không bị ướt, trong khi ba nhân vật im lặng và sau đó biến đi.

Vài tuần sau sự kiện lạ thường gây xôn xao khắp Ai len đó, giáo quyền đã thành lập một ủy ban để đánh giá “sự đáng tin” của các nhân chứng. Một thời gian không lâu sau sự kiện Đức Mẹ hiện ra, Knock đã trở thành địa điểm hành hương quan trọng đối với người dân Ai len. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu tín hữu hành hương đến nơi này.

Đền thánh Đức Mẹ cũng có liên quan đến những thời khắc lịch sử hiện đại của Ai len: tháng 08/1940, 50 ngàn người Ai len đã tham gia cuộc hành hương vì hòa bình thế giới và Ai len. Năm 1954, nhân Năm Thánh mẫu do ĐGH Pio XII công bố, hơn 1 triệu tín hữu hành hương đã đến Knock, nơi mà ĐGH muốn đội triều thiên cho tượng Đức Trinh nữ Maria.

Đền thánh mới

100 năm sau sự kiện Đức Mẹ hiện ra, một đền thánh lớn được xây dựng tại Knock. Viên đá đầu tiên đượcĐGH Phaolô VI làm phép vào năm 1973 và 6 năm sau, ngày 18/07/1979, đền thánh được hoàn thành.

Đền thánh dựa trên 32 cây cột, tượng trưng cho 32 quận của ai len. Bên cạnh đền thánh trung tâm, còn có 5 nhà nguyện nhỏ dâng kính “Đức Bà Knock, thánh Giuse, thánh Gioan thánh sử, Thánh Tâm Chúa Giêsu và thánh Columbus.

Trung tâm thánh mẫu Knock phát triển là nhờ có công sức của đức ông James Horan, giám đốc đền thánh từ năm 1967-1986, người được xem như người thợ xây của Knock. Đức ông Horan không những là người xây dựng đền thánh hiện đại nhưng còn đóng góp vào việc xây dựng phi trường quốc tế Knock.

Đức Mẹ Knock trong trái tim của những người di dân Ai len

Ngày 30/09/1979, khi đến viếng đền thánh Đức Mẹ Ai len, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Mỗi lần một khách hành hương đến nơi này, nơi từng là một ngôi làng tăm tối sình lầy ở Quận Mayo, mỗi lần một người nam, hay người nữ hoặc một đứa trẻ vào trong ngôi nhà thờ cũ – nơi Đức Mẹ hiện ra, hay vào trong đền thờ mới của Đức Mẹ Ai len, là để canh tân đức tin của mình vào ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại, Đấng đã biến đổi tất cả chúng ta thành con cái của Thiên Chúa và những người thừa kế Nước Trời”. Đó là một đức tin mà những người con của Ai len, di tản khắp nơi trên thế giới, luôn mang trong lòng mình, qua hình ảnh Knock Muire, “ngọn đồi của Đức Maria”, nhắc nhở các người con Ai len, dù cho họ ở bất cứ nơi đâu.

Hồng Thủy

(VaticanNews 13.08.2018)

Buổi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 12 tháng 8 diễn ra trong bầu khí đặc biệt, với gần 100 ngàn bạn trẻ Italia vừa kết thúc cuộc hành hương “Qua vạn nẻo đường”, và các tín hữu hành hương. Dựa trên lời kêu gọi của thánh Phaolô: ”Anh chị em đừng làm phiền Thánh Linh của Thiên Chúa, vì chính Ngài là dấu ấn ghi trên Anh chị em, để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30), ĐTC Phanxicô giải thích thế nào là làm phiền lòng Thánh Linh của Thiên Chúa và ngài mời gọi các tín hữu không chỉ không làm điều xấu nhưng còn phải làm điều tốt.

Không làm phiền Thánh Linh: sống lời hứa của bí tích rửa tội chứ không sống giả hình

ĐTC đặt câu hỏi: Nhưng làm phiền Thánh Linh thế nào? Và Ngài giải thích: Tất cả chúng ta đã nhận lãnh Thánh Linh trong bí tích Rửa tội và Thêm sức, vì thế, để không làm phiền Thánh Linh, ta cần sống phù hợp với những lời đã hứa khi chịu phép rửa tội, và khi được canh tân trong bí tích Thêm Sức. Do đó, để không làm phiền Thánh Linh, cần sống phù hợp với các lời hứa của bí tích rửa tội, chứ không sống giả hình. Kitô hữu không thể sống giả hình: phải sống cách phù hợp. Những lời hứa của bí tích rửa tội có hai khía cạnh: từ bỏ sự ác và gắn bó với điều thiện.

Từ bỏ sự ác và gắn bó với điều thiện

Từ bỏ sự ác có nghĩa là không chiều theo những cám dỗ, tội lỗi, ma quỷ. Cụ thể hơn, nó có nghĩa là từ bỏ nền văn hóa chết chóc, được diễn tả qua sự trốn chạy thực tại tìm đến hạnh phúc giả dối được biểu lộ trong sự dối trá, lừa đảo, bất công, khinh rẻ người khác. Sự sống mới được ban cho chúng ta trong Bí tích rửa tội, và có Chúa Thánh Linh là nguồn mạch, loại bỏ lối sống theo những tâm tình chia rẽ và bất thuận. Vì thế, Thánh Phaolo Tông Đồ khuyên nên xua đuổi khỏi tâm hồn mình ”mọi cứng cỏi, phẫn nộ, giận dữ, la ó, và nói xấu cùng với mọi thứ gian ác” (v.31). 6 yếu tố hoặc tật xấu này làm xáo trộn niềm vui của Thánh Linh làm ô nhiễm tâm hồn và dẫn đưa tới lăng mạ chống Thiên Chúa và tha nhân.

“Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì xấu”

Và ĐTC nói thêm: Không làm sự ác mà thôi thì chưa đủ để trở thành một Kitô hữu tốt; cần gắn bó với sự thiện và làm sự thiện. Và Thánh Phaolô tiếp tục: ”Trái lại anh chị em hãy tử tế với nhau, có lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị em trong Chúa Kitô” (v.32). Bao nhiêu lần chúng ta nghe một số người nói: ”Tôi không làm hại một ai”. Đồng ý, nhưng bạn có làm điều thiện không? Bao nhiêu người không làm điều ác, nhưng họ cũng chẳng làm điều thiện, và đời sống của họ diễn ra trong sự dửng dưng, trong lãnh đạm, nguội lạnh. Thái độ ấy trái ngược với Tin Mừng, và trái ngược cả với đặc tính của người trẻ, tự bản chất các bạn năng động, say mê và can đảm. Thánh Alberto Hurtado nói: “Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì xấu.”

Kitô hữu thật: chống lại sự dữ, thực hành điều thiện

ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy trở thành những người giữ vai chính trong sự thiện! Ngài nói: Đừng cảm thấy mình đúng khi không làm điều làm sự ác; mỗi người có lỗi đối với sự thiện họ có thể làm nhưng đã không làm. Không oán ghét mà thôi, thì không đủ, còn cần tha thứ nữa; không oán hận mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần cầu nguyện cho kẻ thù nữa; không là nguyên nhân gây chia rẽ mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải mang hòa bình đến nơi nào không có, không nói xấu người khác mà thôi thì chưa đủ, còn cần chặn lại, khi nghe nói xấu người khác. Nếu chúng ta không chống lại sự ác, có nghĩa là chúng ta mặc nhiên nuôi dưỡng sự ác. Cần can thiệp tại nơi mà sự ác lan tràn; vì sự ác phổ biến tại những nơi nào thiếu các tín hữu Kitô can đảm chống lại sự thiện, và ”bước đi trong bác ái” (Xc 5,2), theo lời cảnh giác của Thánh Phaolô.

Cuối cùng ĐTC khuyến khích các bạn trẻ, những người đã bước đi rất nhiều trong những ngày này: hãy bước đi trong bác ái! ĐTC mời gọi họ cùng nhau tiến về Thượng HĐGM sắp tới tại Roma về đề tài ”Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Ngài cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ tất cả bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để mỗi người, mỗi ngày, bằng việc làm, có thể khước từ sự ác và chấp nhận sự thiện.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican