20/03 – Thứ Năm tuần 2 Mùa Chay.

“Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Lời Chúa: Lc 16, 19-31

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.

Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.

Suy niệm: Trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay đồng tiền được tôn vinh: Để có một nền kinh tế ‘khoẻ mạnh’, người ta áp dụng những biện pháp nào là ‘kích cầu’, nào là ‘khuyến mãi’, cốt sao cho hàng hóa được sản xuất thật nhiều và được tiêu thụ cũng nhiều như thế. Thế nhưng đồng tiền là máu huyết để tạo sự lưu thông hàng hoá đó lại có xu hướng ‘tụ máu’ nơi một thiểu số. Vì thế khoảng cách phân hóa giàu nghèo mỗi ngày một rộng hơn… Trong xã hội vẫn tồn tại những ông phú hộ, đồng thời cũng xuất hiện nhiều anh La-da-rô hơn. Cứ cho là đồng tiền của những ông phú hộ – xưa cũng như nay – là do chính công sức lao động của họ; họ đâu có trấn lột ai để ăn xài xa xỉ! Điều đáng trách nơi họ chính là thái độ vô tình: vô tình trước nỗi đau, trước những hoàn cảnh khó khăn của anh chị em mình đang cần được chia sẻ trợ giúp.

Mời Bạn: Vấn đề ở đây chính là thái độ quan tâm của chúng ta trong cách sống với đồng loại của mình. Có lần nào bạn nhận ra chính mình đang là ông phú hộ trong cách xử sự với đồng loại? Hãy học cùng Chúa Giê-su để có một trái tim biết thương cảm, và có một đôi mắt biết chạnh lòng thương đối với anh chị em đồng loại của mình.

Sống Lời Chúa: Bình tâm xét xem mình đang vô tình, vô cảm trước nỗi đau, nhu cầu nào của tha nhân. Và bạn tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách chia sẻ những phương tiện để phát triển (kiến thức, tiền bạc, thời giờ…) bạn đang sở hữu.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

08/07 – Thứ Hai tuần 14 thường niên.

“Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại”.

Lời Chúa: Mt 9, 18-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy.

Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: “Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu thoát con”. Và người đàn bà được khỏi bệnh.

Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: “Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi”. Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.

Suy niệm: Thi đấu trên sân khách là một thử thách lớn cho các cầu thủ. Tiếng hò la của đám đông ở khán đài không chỉ làm phấn khích tinh thần đội nhà mà còn uy hiếp tinh thần của đối phương. Điều đó được chứng nghiệm nơi tâm trạng của các cầu thủ khi thi đấu tại Nam Phi, phải đối phó với tiếng kêu inh ỏi của rừng kèn vuvuzela. Ki-tô hữu thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cũng có cảm giác giống như đang đá banh trên sân khách. Họ phải chịu áp lực nặng nề của người đời như sự thờ ơ, lời chế nhạo, hăm dọa v.v… Điều đó khiến không ít người thoái thác việc truyền giáo, thậm chí hổ thẹn tỏ dấu mình là Ki-tô hữu. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhắc nhở: “Chúng ta đừng bao giờ hổ thẹn về Tin Mừng và đừng sợ loan báo rằng chúng ta là Ki-tô hữu.” Lời kêu gọi đó phản ánh thái độ của Đức Giê-su trước đám đông chế nhạo Ngài hôm ấy, Ngài vẫn làm phép lạ để tôn vinh Danh Chúa và cứu rỗi con người.

Mời Bạn: Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự bình an tâm hồn sau khi tỏ dấu mình là Ki-tô hữu chưa? Hoàn cảnh không thuận tiện có làm cho Ki-tô hữu tăng triển lòng tin, cậy, mến không?

Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng tỏ dấu mình là Ki-tô hữu và sống như người Ki-tô hữu dù gặp thuận tiện hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nói: ai tuyên xưng Chúa trước mặt người đời, Chúa sẽ tuyên xưng họ trước mặt Chúa Cha. Xin Chúa cho chúng con được sống giây phút hạnh phúc ấy.